Thời gian gần đây, tỷ giá giữa VND và USD đã có những biến động đáng kể. Điều này đã tác động đến việc sản xuất, kinh doanh của không ít doanh nghiệp. Bởi vậy, sự chủ động để thích ứng với sự điều chỉnh của tỷ giá là điều nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục giữ lãi suất đồng USD như hiện tại và chưa có dấu hiệu về việc giảm lãi suất đã khiến đồng USD mạnh lên so với hầu hết các đồng tiền trong khu vực như Thái Lan tiền mất giá khoảng 7,3%, Nhật Bản gần 10%, hay Hàn Quốc là 7%.
Còn theo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến nay, VND đã giảm giá 4,9% so với đồng USD là mức chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: "Lãi suất của VND thấp hớn lãi suất của đồng ngoại tệ, vì vậy cũng có yếu tố tác động về vấn đề tỷ giá. Chúng tôi sẽ có những biện pháp điều chỉnh bằng công cụ của mình, trước hết là công cụ điều hành tỷ giá trung tâm cũng như quản lý thị trường ngoại tệ và trường hợp cần thiết thì dùng nguồn dự trữ ngọai hối để can thiệp tỷ giá".
Thời gian gần đây, tỷ giá giữa VND và USD đã có những biến động đáng kể. Ảnh minh họa.
Sự ổn định của tỷ giá đang được hỗ trợ tích cực bởi dòng vốn FDI giải ngân đạt cao khi 4 tháng qua giải ngân nguồn vốn này đạt 6,28 tỷ USD. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Nguồn kiều hối chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh 4 tháng qua cũng đạt gần 2,9 tỷ USD. Cùng với đó là xuất siêu trong 4 tháng đầu năm cũng đạt 8,4 tỷ USD. Đây là những nguồn lực dồi dào để hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!