Ngày 5/1, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, Trung ương Đảng đã có Kết luận, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết; trong đó, xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung ưu tiên nguồn lực, thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
"Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Dịch COVID-19 có thể phức tạp, nguy hiểm hơn với sự xuất hiện của các biến chủng mới. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể thấp hơn năm 2021; lạm phát ở nhiều nước tăng cao", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Với chủ đề trong năm 2022 là "Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển kinh tế", Chính phủ sẽ bám sát tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, tận dụng các động lực tăng trưởng mới, bền vững.
Theo đó, tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm là khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược. Đồng thời, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Ngoài ra, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế thực chất, hiệu quả; phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số; xử lý các vấn đề còn tồn đọng, kéo dài nhiều năm qua...
Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá, năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố bất lợi do đại dịch COVID-19. Kinh tế thế giới phục hồi thiếu vững chắc và không đồng đều; nợ công, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia. Ở trong nước, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư ở nhiều địa phương với biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, xâm nhập sâu, gây hậu quả nghiêm trọng ở các trung tâm kinh tế, đô thị lớn.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng hành và giám sát của Quốc hội và sự chia sẻ, ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành theo dõi sát tình hình thế giới, khu vực; dự báo và xây dựng các kịch bản tăng trưởng, định kỳ cập nhật bảo đảm sát với diễn biến tình hình thực tế để đề ra và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả, phục vụ cả mục tiêu trước mắt và lâu dài.
Nhờ đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 1,84%. Các cân đối lớn được bảo đảm. GDP tăng 2,58%; trong đó, quý IV tăng mạnh với 5,22% sau khi giảm 6,02% trong quý III. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán. Bội chi ngân sách nhà nước ước dưới 4%, thấp hơn so với dự toán Quốc hội quyết định (4% GDP).
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và đưa Việt Nam trở thành một trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; trong đó, kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt trên 336,25 tỷ USD, tăng 19%; xuất siêu ước đạt 4 tỷ USD.
Mặt bằng lãi suất giảm, tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối tiếp tục được củng cố. Tín dụng tăng trưởng tích cực, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, nhất là tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng mạnh. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả năm ước đạt 34,4% GDP. Thị trường chứng khoán phát triển nhanh, quy mô vốn hóa tăng 46% so với cuối năm 2020 và là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2021 có mức tăng trưởng cao, tăng 9,2%, đặc biệt vốn tăng thêm tăng trên 40%. Điều này thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, sự kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cao kỷ lục, đạt trên 48,6 tỷ USD. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37% và tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế; an ninh năng lượng được bảo đảm...
Cùng với đó, các ngành chức năng đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý 2 ngân hàng thương mại yếu kém, 5 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ để sớm đưa vào vận hành nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Đồng thời, xử lý dứt điểm các tồn tại, khó khăn của một số dự án giao thông trọng điểm để nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác như các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách; trong đó, có đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 3 và 4, Chính phủ đã khẩn trương trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường đầu năm 2022 về các chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình. Đây là chủ trương, quyết sách quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng chỉ ra kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng; thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán có thời điểm tăng nóng. Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xuất khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI và một số ít thị trường. Sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; một số chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy; lưu thông hàng hóa có lúc, có nơi ách tắc cục bộ; sức mua trong nước giảm sút. Sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh; không ít doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, thậm chí giải thể, phá sản.
Cùng với đó, cơ cấu giữa các ngành, lĩnh vực và nội ngành, lĩnh vực chuyển dịch chậm. Cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm còn hạn chế; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chưa đạt tiến độ. Việc xử lý các ngân hàng yếu kém và các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả còn nhiều khó khăn, vướng mắc; lập quy hoạch còn chậm. Ngoài ra, tiến độ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi còn thấp; khu vực dịch vụ gặp khó khăn, đặc biệt là du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!