Vận tải rục rịch hạ giá cước, doanh nghiệp hợp sức giảm giá hàng hóa

Đức Chung-Thứ sáu, ngày 19/08/2022 06:24 GMT+7

VTV.vn - Đến nay, sau 5 lần giá xăng dầu giảm, nhiều doanh nghiệp vận tải đang rục rịch hạ giá cước. Các đơn vị sản xuất kinh doanh cũng nỗ lực giảm giá hàng hóa, bình ổn giá.

Có thể thấy, sau 5 lần xăng dầu giảm giá, tổng cộng khoảng 19%, với những chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua, giá cước vận tải cũng đã bắt đầu giảm xuống. Đây là động thái khá tích cực từ phía doanh nghiệp nhằm bình ổn giá cả thị trường.

"Hạ nhiệt" cước vận tải

Theo số liệu mới nhất từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đến thời điểm này, khoảng 30% doanh nghiệp vận tải do đơn vị này quản lý đã và đang kê khai giảm giá cước, với mức giảm trung bình từ 5 - 10%. Số lượng còn lại đang tiếp tục được theo dõi và thống kê.

"Khi có mức điều chỉnh tăng giảm trên 10% so với kỳ điều chỉnh trước, chúng tôi sẽ có tính toán để làm sao phù hợp với chi phí hoạt động của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của khách hàng", ông Đỗ Văn Huy, Giám đốc Công ty cổ phần xe khách Hà Nội, cho biết.

Vận tải rục rịch hạ giá cước, doanh nghiệp hợp sức giảm giá hàng hóa - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp vận tải đang rục rịch giảm giá cước. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

"Khi giá xăng giảm, các đơn vị vận tải, taxi Hà Nội cũng đã tính toán phương án giảm. Như tôi được biết, hiện các đơn vị cũng đã trên đà điều chỉnh để phù hợp cho từng doanh nghiệp", ông Nguyễn Anh Quân, Tổng Giám đốc G7 Taxi, cho hay.

"Hãng chúng tôi đã gửi hồ sơ và đã thực hiện xong việc điều chỉnh hạ giá cước cách đây một tuần. Về các chi phí, chúng tôi sẽ phải tính toán lại sao cho hài hòa các chi phí xăng dầu, chi phí hoạt động trong thời điểm hiện tại", ông Lương Lê Huy, Phó Giám đốc Taxi Thanh Nga, thông tin.

Theo thống kê của Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải, từ báo cáo nhanh của một số địa phương đến ngày 17/8 cho thấy, với dịch vụ taxi, một số hãng đang kê khai giảm giá cước từ 6 - 12%, tương đương giảm khoảng 500 đến 1.000 đồng/km. Các tuyến vận tải khách cố định cũng đã và đang giảm từ 5 - 14%. Giá vé hành khách đi đường sắt cũng đã giảm khoảng 5%, hàng hóa giảm 3%.

Còn các lĩnh vực như đường biển, hàng không, đường thủy nội địa, giá cước cũng đang bắt đầu "hạ nhiệt" hoặc thậm chí có những trường hợp còn chưa có động thái tăng trước đó.

Giá nhiên liệu thường chiếm khoảng 30% trong cơ cấu của giá cước vận tải. Tính từ đầu tháng 6 đến nay, xăng dầu giảm tổng cộng khoảng 19%, hiện nay đang ở mức khoảng 24.000 đồng một lít. Do đó, việc một số doanh nghiệp vận tải đã điều chỉnh giảm giá cước trên 10% có thể xem là nỗ lực đáng ghi nhận.

Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận là còn không ít doanh nghiệp vận tải khi giá xăng đạt đỉnh lên trên 30.000 đồng/lít đã điều chỉnh tăng giá cước, nhưng nay vẫn chưa tích cực kê khai lại khi xăng dầu giảm. Do đó, việc rà soát, kê khai giá ở thời điểm này là nhiệm vụ của không chỉ các đơn vị doanh nghiệp, mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Tăng cường giám sát, xử lý hoạt động kê khai giá bất hợp lý

Mặc dù thị trường ghi nhận có sự điều chỉnh giảm giá cước vận tải, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp thực hiện đến nay vẫn còn khiêm tốn. Không ít đơn vị vẫn có tâm lý nghe ngóng, chờ đợi các đợt điều chỉnh giá xăng dầu tiếp theo. Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, tăng cường quản lý giá sẽ là nhiệm vụ trọng tâm tại thời điểm này.

"Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính rà soát lại các văn bản quy định liên quan đến quản lý giá và điều hành giá, đồng thời chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải tham mưu cho UBND cấp tỉnh hướng dẫn các doanh nghiệp trong vấn đề kê khai giá để đảm bảo phù hợp với xăng dầu giảm và tăng cường công tác thanh kiểm tra", ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải, nhận định.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã đề nghị các quận, huyện yêu cầu các doanh nghiệp tính toán giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu, đặc biệt là đơn vị đã từng tăng giá những chưa có động thái kê khai giảm.

"Tập trung vào những đơn vị trong thời gian giá cước vận tải tăng anh đã kê khai tăng mà sau này giá nhiên liệu giảm, anh lại không giảm thì chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra những đơn vị đó", ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho biết.

Không chỉ các doanh nghiệp vận tải kê khai giá theo km hoặc vé từng chặng, mà các loại hình xe công nghệ cũng sẽ được theo dõi và yêu cầu tính toán, điều chỉnh giá cước phù hợp, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng vì quyền lợi của người tiêu dùng.

Cước vận tải là chi phí đầu vào của nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế nên khi cước vận tải hạ nhiệt cũng sẽ là điều kiện để giá cả các loại hàng hóa khác có thể giảm theo.

Ở một số địa phương, khi chi phí đầu vào chưa có dấu hiệu giảm hoặc giảm rất nhỏ giọt đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải hợp sức để kéo giảm giá cả hàng hóa.

Hợp sức giảm giá hàng hóa

Với 85% hàng hóa tham gia kênh bình ổn, Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đang tích cực đàm phán với nhà cung cấp, đơn vị vận chuyển cắt giảm chi phí in ấn, bao bì, marketing… để kéo giảm giá thành.

"Giá bán của chúng tôi hiện đang thấp hơn thị trường 10 - 15%. Hy vọng việc xăng dầu giảm giá sẽ tác động tới các chi phí nguyên vật liệu", ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho hay.

Vận tải rục rịch hạ giá cước, doanh nghiệp hợp sức giảm giá hàng hóa - Ảnh 2.

Người dân mua sắm tại một siêu thị. (Ảnh: NLĐ)

Còn tại các hệ thống siêu thị, nhờ tính toán giảm chi phí ở khâu trung gian, rà soát các yếu tố hình thành giá cả nên giá các mặt hàng tươi sống đã giảm 10 - 15%. Các hình thức khuyến mãi cũng được tăng cường.

"Hơn 300 mặt hàng giảm giá đến 50%; mặt hàng gia dụng giảm 48%; thời trang giảm đến 26%. Chúng tôi phải đưa ra các chiến lược về giá, làm việc với nhà cung cấp, khảo sát thị trường và tính toán mức chiết khấu phù hợp để có hỗ trợ giá cho người tiêu dùng", bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, cho biết.

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hơn 70 doanh nghiệp bình ổn, với lượng hàng hóa chiếm đến khoảng 50% nhu cầu thị trường vẫn đang được giữ giá thấp hơn 5 - 15% so với thị trường. Thành phố cũng chủ động tìm kiếm nguồn cung mới, tổ chức các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng.

"Liên kết với hơn 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và các tỉnh miền Trung tạo vùng nguyên liệu để các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có thể an tâm đầu tư các vùng nguyên liệu, tăng nguồn cung cho thị trường. Chính quyền thành phố cũng đồng hành với các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa", ông Ngô Hồng Y, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Bên cạnh đó, Sở cũng đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh tính toán các giải pháp kết nối về vốn, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất.

Khi xăng dầu hạ nhiệt, không chỉ cước vận tải, giá lương thực thực phẩm, mà các loại hàng hóa dịch vụ khác như vật liệu xây dựng, dịch vụ lưu trú, du lịch cũng cần các biện pháp quản lý, điều hành và kiểm tra sát sao hơn, đảm bảo tuân thủ pháp luật về giá nhằm thúc đẩy các hoạt động du lịch hay đầu tư công, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.

Giá cước vận tải “hạ nhiệt” Giá cước vận tải “hạ nhiệt”

VTV.vn - Cước vận tải đang hạ nhiệt sau khi giá xăng dầu giảm 5 lần liên tiếp. Theo các cơ quan chức năng, cước vận tải đường bộ ghi nhận mức giảm cao nhất tới 14%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước