Mức đỉnh gần nhất mà giá vàng miếng SJC từng thiết lập là vào tháng 8/2020. Lúc đó, giá vàng trong nước tăng chóng mặt chỉ trong thời gian ngắn và có lúc vọt lên 62,4 triệu đồng/lượng.
Lúc 17h ngày 25/1, tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn tăng 150 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với mở cửa sáng 25/1, niêm yết ở mức 61,9 - 62,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tăng 200 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 300 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với mở cửa sáng nay, ở mức 61,95 - 62,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng SJC được Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết trên thị trường Hà Nội ở mức 61,95 - 62,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay biến động trong vùng 1.820-1.842 USD một ounce. 11h20 giờ Việt Nam ngày 25/1, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.842 USD một ounce, tương đương với 50,65 triệu đồng một lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank.
Như vậy, giá vàng trong nước thiết lập mức chênh kỷ lục lên tới 12 triệu đồng so với giá vàng quốc tế.
Giá vàng thế giới đi lên sau khi chứng kiến đà bán tháo cổ phiếu trên Phố Wall, bởi tình hình căng thẳng địa chính trị tại Ukraine làm gia tăng sức hấp dẫn của các kênh đầu tư an toàn. Trong khi đó, giới đầu tư đã sẵn sàng cho việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo nâng lãi suất tại cuộc họp tuần này.
Giới phân tích cho rằng, vàng đang tăng giá mạnh vì một số quỹ đầu cơ đang đặt cược vào việc giá vàng sẽ giảm trong thời gian tới. Theo giới đầu cơ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sớm muộn gì cũng sẽ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Do đó, vàng có thể mất động lực tăng giá trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!