Cụ thể, tại thời điểm 15 giờ 45 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá vàng miếng SJC ở mức 88 - 90 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên đầu giờ sáng nay (9 giờ 5 phút)
Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 88 - 90 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên đầu giờ sáng nay (9 giờ 5 phút)
Giá vàng nhẫn SJC và Doji cũng đồng loạt tăng và theo đó, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 88,6 - 89,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 600 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 500 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên đầu giờ sáng nay (9 giờ 5 phút). Đây là mức giá cao nhất của vàng nhẫn trong nước từ trước đến nay.
Trong nước, SJC là thương hiệu lớn duy nhất có nguồn cung nhẫn trơn liên tục ra thị trường, song cũng giới hạn mỗi người chỉ được mua tối đa 5 phân. Phần lớn thương hiệu vàng lớn khác như DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu... thường rơi vào tình trạng cháy hàng nhẫn trơn. Nhiều đơn vị gần đây thậm chí dừng việc nhận khách đặt trước.
Với vàng miếng, việc mua vào cũng không dễ dàng. Người dân phản ánh thủ tục mua vàng miếng tại 5 đơn vị do Ngân hàng Nhà nước uỷ thác (SJC và 4 ngân hàng quốc doanh) khó khăn hơn trước đây. Số lượng mua cũng hạn chế chỉ 1-2 lượng và áp dụng với khách đã đăng ký thành công trực tuyến. Lượt đặt mua của 4 ngân hàng thường nhanh chóng hết lượt từ sớm.
Theo các chuyên gia, giá vàng nhẫn thời gian qua liên tục tăng mạnh là do chịu tác động của giá thế giới. Trong khi đó, giá vàng thế giới cũng chịu tác động bởi xung đột địa chính trị, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và khả năng Fed thay đổi lãi suất theo chiều hướng giảm.
Ngoài ra còn do nhu cầu mua vàng của người dân Việt Nam rất lớn khi vàng được coi như tài sản tích trữ, tiết kiệm. Khi vàng miếng ngày càng khó mua thì vàng nhẫn được nhiều người tìm đến khiến, các điểm bán rơi vào cảnh khan hiếm nguồn cung.
Đồng thời, nhiều người vẫn đang găm giữ vàng chưa bán ra, chờ giá lên cao hơn để bán. Trong khi Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái nào cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vàng được phép nhập khẩu vàng. Chính vì thế vàng nhẫn ngày càng ít được bán ra do nguồn cung hạn chế
"Nếu thị trường vàng nhẫn vẫn tiếp tục lên cơn "sốt", nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp can thiệp", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu dự báo.
Giá vàng châu Á chạm mức cao kỷ lục
Trên thị trường thế giới, giá vàng chạm mức cao kỷ lục trong phiên 30/10 tại châu Á, khi các nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn này chưa đầy một tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, trong khi họ cũng chờ số liệu kinh tế để nắm bắt lập trường về lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Giá vàng giao ngay tăng 0,3%, lên 2.783,38 USD/ounce vào lúc 14 giờ 39 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi chạm mức cao kỷ lục 2.789,73 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,5%, lên 2.795,9 USD/ounce. Trước đó, vào lúc 13 giờ 41 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao tháng 12/2024 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York tăng 19,1 USD, tương đương 0,69%, lên 2.800,2 USD/ounce, lần đầu tiên trong lịch sử đạt hơn 2.800 USD/ounce.
Nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Kelvin Wong, cho biết giá vàng sẽ chịu tác động lớn từ kết quả bầu cử tại Mỹ. Trong thời gian tới, giá vàng giao ngay sẽ đứng trước ngưỡng kháng cự 2.800 USD/ounce, sau đó là 2.826 USD/ounce.
Một yếu tố khác góp phần đưa giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục là khả năng Fed tiếp tục hạ lãi suất. Lãi suất giảm sẽ làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!