Theo các số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), EU là một trong những nơi có chính sách đầu tư thông thoáng nhất thế giới, điểm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất thế giới. Cổ phiếu đầu tư trực tiếp nước ngoài vào EU lên tới 6.295 tỷ EUR cuối năm 2017.
Đây là lần đầu tiên các nước châu Âu có một công cụ chung bảo vệ các ngành kinh tế trọng điểm. Nước Mỹ đã có cơ chế này từ năm 1975. Canada, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc cũng có những quy định tương tự. Trong Liên minh châu Âu chỉ có 14 nước có cơ chế này, mỗi nước theo một cách khác nhau.
Cơ sở của quy định kiểm soát đầu tư nước ngoài được EU thông qua ngày 14/2 là đầu tư trong một nước có thể tác động xấu tới nước khác nên các nước khác phải có quyền có ý kiến. Ví dụ một nước xây đập thủy điện, các nước ở cuối nguồn có thể thiếu nước tưới tiêu hay chịu rủi ro khi vỡ đập nên các nước đó phải được tham vấn.
Tuy nhiên, theo quy định mới, đầu tư được cho là đáng lo ngại khi toàn bộ hay hầu như toàn bộ một ngành kinh tế sẽ chịu sự chi phối của một doanh nghiệp nước ngoài và được cho là nguy hiểm khi doanh nghiệp nước ngoài đó lại do chính phủ của nước đó kiểm soát.
Tình trạng nguy hiểm cũng là khi đầu tư nước ngoài nhằm vào lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia, chiếm lĩnh vị trí địa lý chiến lược, tiếp cận được bí quyết công nghệ mũi nhọn.
Một ví dụ dễ hiểu là nếu doanh nghiệp Qatar mua đội bóng Paris thì không sao nhưng doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư không nhằm lợi nhuận mà nhằm lợi ích chính trị ở Đông Âu, Nam Âu hoặc doanh nghiệp Nga đầu tư vào báo chí và in ấn ở Bắc Âu, nước nhận đầu tư sẽ phải thông báo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!