Vì sao thẻ từ ATM bị "khai tử" sau ngày 31/12?

Theo Dân trí-Thứ sáu, ngày 26/11/2021 10:43 GMT+7

VTV.vn - Trong khi có ngân hàng gửi thông báo tới người dùng về việc chuyển đổi thẻ từ ATM sang thẻ chip, thì cũng không ít người dùng không biết việc này.

Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 28/12/2018 quy định, từ sau ngày 31/12 năm nay, 100% thẻ ATM đang hoạt động tại Việt Nam phải là dạng thẻ chip. Loại thẻ từ vốn được sử dụng phổ biến trước đây chính thức bị "khai tử" và không còn được chấp nhận sử dụng tại các ATM rút tiền và các điểm/thiết bị thanh toán khác.

Dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tính đến quý II năm nay, tổng số lượng thẻ nội địa đang lưu hành là 98 triệu thẻ. Tổng số lượng thẻ quốc tế đang lưu hành là 20 triệu thẻ.

Trước đó, mục tiêu mà ngành ngân hàng đặt ra là đến cuối năm nay là ít nhất 30% số thẻ đang lưu hành phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, tương đương khoảng 21 triệu thẻ ATM phải chuyển đổi sang thẻ chip.

Vì sao thẻ từ ATM bị khai tử sau ngày 31/12? - Ảnh 1.

Các loại thẻ từ ATM này sẽ chính thức bị khai tử sau ngày 31/12 tới.

Chuyển đổi thẻ từ ATM, những điều người dùng cần lưu ý

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện có khá nhiều ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng cổ phần tư nhân, thông báo tới khách hàng về việc các thẻ từ ATM sẽ chính thức bị ngừng hỗ trợ và không được chấp nhận trên các điểm giao dịch trên toàn quốc từ sau ngày 31/12.

Tuy nhiên, cũng có một số người dùng thẻ, đặc biệt của ngân hàng TMCP Nhà nước, cho biết không nắm được thông tin thẻ từ ATM sẽ bị khai tử sau ngày 31/12.

Anh T. (Cầu Giấy, Hà Nội) phản ánh: "Tôi dùng thẻ ATM của hai "ông lớn" ngân hàng Nhà nước, nhưng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ ngân hàng về việc phải đổi thẻ từ ATM sang thẻ chip. Vậy giờ tôi ra ngân hàng để chuyển đổi thẻ là sẽ mất tiền sao?".

Chị M. (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết, chị sử dụng thẻ ATM của 3 ngân hàng, nhưng đến nay chị không nhận được thông tin chuyển đổi thẻ. "Có thể ngân hàng đã thông báo nhưng do lâu rồi và cách thời hạn quá xa nên tôi không để ý. Đáng lẽ các ngân hàng nên nhắc khách khi thời hạn đến gần", chị M. nói.

Như vậy, có thể thấy rằng, khi thời hạn 31/12 đang đến gần, không phải người dùng thẻ ATM nào cũng nắm rõ quy định về việc phải đổi thẻ từ ATM sang thẻ chip. Vậy có cách đổi thẻ như thế nào, phí đổi thẻ bao nhiêu, có mất nhiều thời gian không và vì sao lại phải đổi thẻ... đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Theo giới thiệu từ các ngân hàng, có 2 cách phổ biến để đổi thẻ từ sang thẻ chip. Cách thứ nhất, khách hàng chỉ cần mang chứng minh thư hoặc hộ chiếu, hoặc thẻ căn cước công dân còn hiệu lực đến điểm giao dịch của ngân hàng và đề nghị chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip.

Cách thứ hai là có thể truy cập vào ứng dụng ngân hàng số, mobile banking để thực hiện và nhận thẻ tại nhà hoặc tại điểm giao dịch của ngân hàng.

Ngoài ra, ở một số ngân hàng số, người dùng có thể đổi thẻ từ sang thẻ chip tại các cây ATM đa năng.

Song song với đó, các nhà băng cũng đang chạy đua nước rút chuyển đổi sang thẻ chip nội địa nhằm bảo đảm thực hiện đúng lộ trình. Để thúc đẩy khách hàng đổi thẻ từ sang thẻ chip, đa số ngân hàng đều miễn phí cho dịch vụ này thời gian qua và hiện nhiều ngân hàng vẫn miễn phí. Trong khi đó, một số đã dừng khuyến mại và sẽ dừng trước thời điểm 31/12.

Sau thời gian miễn phí, khách hàng sẽ thực hiện đổi thẻ từ sang thẻ chip với mức phí tương tự mức phí đổi thẻ thông thường, và tùy theo quy định của từng ngân hàng, phổ biến nhất là 50.000 đồng/lần.

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc chuyển đổi từ thẻ ATM từ sang thẻ ATM gắn chip rất có lợi cho người sử dụng, góp phần nâng cao mức độ bảo mật, tốc độ giao dịch, tính an toàn và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Việc chuyển đổi này cũng mở ra cơ hội phát triển các dịch vụ thanh toán thẻ tại Việt Nam; tăng cường sự phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững cho thị trường thẻ ngân hàng.

Vì sao phải chuyển sang thẻ ATM gắn chip?

Ngoài việc tuân theo quy định từ Ngân hàng Nhà nước, việc chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM bằng công nghệ từ sang công nghệ chip có độ bảo mật cao hơn nhằm hạn chế tối đa rủi ro mất tiền đang được các ngân hàng thương mại gấp rút triển khai.

Vì sao thẻ từ ATM bị khai tử sau ngày 31/12? - Ảnh 2.

Cận cảnh một chiếc thẻ ATM gắn chip.

Bởi ngoài các tính năng giao dịch thông thường, thẻ ATM gắn chip của các ngân hàng hiện còn được bổ sung tính năng thanh toán không tiếp xúc (contactless) với nhận diện bằng biểu tượng cột sóng trên mặt trước thẻ.

Thẻ ATM gắn chip có kích thước giống như thẻ cũ, với chiều dài 85,6 mm x chiều rộng 53,98 mm. Song thẻ ATM gắn chip có bảo mật cao hơn so với thẻ từ ATM vì thẻ ATM cũ nhận thông tin bằng dải từ phía sau và không được mã hóa. Còn thẻ chip với con chip nằm ở mặt trước thẻ giúp mã hóa thông tin để tăng bảo mật dữ liệu. Thông tin cá nhân sẽ được mã hóa theo dãy số nhị phân của máy tính và liên tục được thay đổi.

Thời gian qua, dù liên tục cảnh báo nhưng hàng loạt vụ gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ tại máy ATM rồi làm thẻ giả rút tiền (skimming); lừa người dùng để lấy mật khẩu, mã OTP, chiếm đoạt tiền vẫn diễn ra.

Theo các ngân hàng, thực trạng khách hàng bị đánh cắp thông tin, dữ liệu thẻ tại ATM ngày càng gia tăng. Tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi, trong đó có tội phạm thẻ ATM. Các thiết bị skimming mới được kẻ gian thiết kế nhỏ gọn, chèn sâu vào trong thiết bị đọc thẻ ở máy ATM và được gắn vào, rút ra trong khoảng thời gian rất ngắn nên khó phát hiện kịp thời… Mục đích cuối cùng của kẻ gian là lấy được thông tin dữ liệu thẻ trên rãnh từ của thẻ ATM và mã PIN mà khách hàng thao tác khi đăng nhập tại máy ATM.

Trong bối cảnh này, một trong những giải pháp đang được các ngân hàng cấp tập triển khai nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại từ tình trạng skimming là chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM làm bằng công nghệ từ đang lưu hành trên thị trường sang thẻ chip (thẻ gắn chip điện tử, các thông tin quan trọng đều được mã hóa nên bảo mật hơn).

Thẻ từ lưu toàn bộ thông tin cá nhân của khách hàng sau vạch đen của thẻ dưới dạng văn bản. Thông tin này dễ bị mã hóa, đánh cắp khi khách hàng cắm thẻ vào máy ATM hay quẹt thẻ trên máy POS, thông tin lưu trữ ở dải từ sẽ được đọc bởi các đầu đọc trong máy. Do đó, chỉ cần một thiết bị quẹt thẻ từ thông dụng, kẻ gian có thể dễ dàng đánh cắp thông tin thẻ, sau đó cũng dễ dàng tạo ra các thẻ giả với thông tin sao chép được, đồng thời gắn các thiết bị lén ghi lại động tác nhập mã PIN của khách hàng và như vậy là đủ để kẻ gian có thể trộm tiền từ tài khoản của khách hàng.

Còn thẻ chip sẽ có chip nằm trước mặt thẻ, thông tin cá nhân được mã hóa dưới dạng dãy ký số theo kiểu hệ nhị phân của máy tính. Mã hóa này liên tục được thay đổi. Thẻ chip còn là thẻ quốc tế nên có thể sử dụng trên toàn cầu.

Thẻ ATM “đời cũ” sắp bị khai tử Thẻ ATM “đời cũ” sắp bị khai tử

VTV.vn - Thẻ ATM từ sẽ không được chấp nhận tại các điểm giao dịch trên toàn quốc từ sau ngày 31/12.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước