Sau khi lỡ hạn trả khoản nợ 1,6 tỷ Euro cho IMF hôm 30/6, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã viết thư gửi tới các chủ nợ quốc tế, tuyên bố sẵn sàng chấp nhận các điều khoản của gói cứu trợ tài chính. Thế nhưng chỉ 1 ngày sau đó, ông Tsipras lại lên truyền hình kêu gọi người dân Hy Lạp hãy chọn “Không”, nghĩa là không nhượng bộ các chủ nợ trong cuộc trưng cầu ý dân dự kiến diễn ra vào ngày 5/7 tới.
Tại sao lại có sự thay đổi quyết định chóng vánh như vậy, phóng viên Trung tâm Tin tức VTV24 đã có cuộc trao đổi với ông Petros Diplas, Chuyên gia kinh tế độc lập tại Hy Lạp.
P.V: Thưa ông Petros, tại sao Thủ tướng Hy Lạp Tsipras lại thay đổi nhanh như vậy, mới vừa viết thư sẽ chấp nhận cải tổ để nhận tiền cứu trợ, lại ngay lập tức kêu gọi người dân nói “Không” với các chủ nợ?
- Ông Petros Diplas: Thực ra ông Tsipras chưa bao giờ có ý định nhượng bộ các chủ nợ, bởi nếu nhượng bộ nghĩa là Hy Lạp sẽ lại phải tiếp tục thắt lưng buộc bụng. Ông Tsipras thắng cử là vì đã hứa hẹn sẽ chấm dứt thắt lưng buộc bụng và đặt ra những chính sách vì quyền lợi tốt nhất của người dân. Tôi cũng như nhiều người Hy Lạp tin là ông Tsipras sẽ không đi ngược lại lời hứa để mất đi tín nhiệm của người dân. Việc nộp đi nộp lại đề xuất cải cách, hay hứa chấp nhận cải tổ là một chiến thuật câu giờ của ông Tsipras để cố gắng ép các yêu cầu của các chủ nợ xuống mức tối thiểu mà thôi.
Ngày hôm qua sau bức thư của ông Tsipras, nhiều người cho rằng cuộc trưng cầu dân ý có thể sẽ không diễn ra, nhưng với tình hình bây giờ, có vẻ đây là điều chắc chắn? Ông nghĩ là kết quả của cuộc trưng cầu dân ý này sẽ ra sao?
- Hiện giờ, theo các cuộc khảo sát thì 40% đang nghiêng về chọn “Có”, còn 60% kiên quyết chọn “Không”. Phần lớn những người chọn “Không” là người trẻ và trung niên, họ chưa từng sống trong khoảng thời gian mà Hy Lạp chưa vào Eurozone, họ không hiểu được hết những hậu quả to lớn nếu phải rời khối đồng tiền chung. Hiện giờ nhiều người cũng bắt đầu hoang mang lo lắng, liệu nếu phải rời khỏi Eurozone thật thì Hy Lạp sẽ ra sao. Nhưng có thể là đến ngày bỏ phiếu thì số người chọn “Có” sẽ tăng lên, và nếu kết quả là “Có” thì khả năng sẽ có một cuộc tổng tuyển cử nữa tại Hy Lạp chọn Thủ tướng mới.
Vậy nếu kết quả là “Không”, ông nghĩ là Hy Lạp liệu có phải rời Eurozone thật hay không?
- Tôi nghĩ là không. Như là Đức, nền kinh tế mạnh nhất châu Âu rất ủng hộ việc giữ Hy Lạp trong Eurozone. Bởi nếu để Hy Lạp ra đi, châu Âu sẽ rơi vào khủng hoảng cả kinh tế lẫn chính trị, mục tiêu ra đời của cả khối Eurozone là thất bại. Và không nguyên thủ nào ở châu Âu lại muốn điều đó xảy ra trong nhiệm kỳ của mình. Còn bản thân Hy Lạp, nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu cũng sẽ không muốn trắng tay, nên kể cả sau cuộc trưng cầu dân ý thì các vòng đàm phán sẽ vẫn tiếp tục kéo dài và một giải pháp trung hòa giữa hai bên sẽ được tìm ra.
Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn.