Ghi nhận tại một nhà hàng ở trung tâm Quận 1, TP.HCM, doanh thu mỗi tháng trên 3 tỷ đồng với hàng chục nhân viên, nhưng vẫn hoạt động với tư cách hộ kinh doanh cá thể. Tại một cơ sở sản xuất đồ gia dụng uy tín 20 năm, chủ cơ sở khi nghe nói đến việc thành lập doanh nghiệp cũng đã không mấy hào hứng.
Theo tờ Đầu tư, cả nước có hơn 3,4 triệu hộ kinh doanh - con số không nhỏ, nhưng đóng góp cho nền kinh tế còn khiêm tốn, chỉ chiếm tỷ lệ 2% tổng nguồn thu thuế. Lý do khu vực kinh tế tiềm năng này khước từ cơ hội "lên đời" thành doanh nghiệp vì ngại thủ tục đóng thuế và không muốn trả bảo hiểm cho nhân viên.
Một câu chuyện khác trên tờ Tiền Phong, tại Quận 12, TP.HCM có một con đường dài chưa tới 1km, nằm trong khu dân cư nghèo nhưng có hơn 10 trụ sở doanh nghiệp, hầu hết đều đóng cửa. Trụ sở nhà ông Hùng Sang là đơn vị hiếm hoi còn hoạt động. Ông giám đốc này đứng bán vài mớ rau, cân thịt ngay cạnh tấm biển hiệu to đẹp của doanh nghiệp mình.
Xuất phát là các hộ buôn bán tự phát, ít vốn, những người như ông Sang đi tìm tính pháp lý và sự bảo vệ cho hoạt động kinh doanh, bằng cách đăng ký thành lập doanh nghiệp. Nhưng thực tế, doanh thu không đổi mà lại phải đóng thêm nhiều thuế phí đang khiến nhiều người nản lòng.
Mục tiêu của chính phủ là phát triển 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, rất cần các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, nhưng đi kèm phải là sự phát triển thực chất. Trong chiều 8/11, nội dung Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được nêu ra tại phiên họp Quốc hội. Không chỉ tiếp sức, mà khi xảy ra bất cứ bất công nào, Chính phủ sẵn sàng lên tiếng và can thiệp để bảo vệ tối đa quyền tự do kinh doanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!