Mặc dù bắt đầu năm 2023 với nền tảng khá yếu, đồng USD đã bật mạnh trở lại trong tháng 2 với mức tăng gần 3%. Khi đó, thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất cao hơn so với dự báo.
Tuy nhiên, những sức ép trên lĩnh vực ngân hàng trong tháng 3 vừa qua đã buộc FED phải hạ thấp những kỳ vọng đó, đẩy đồng bạc xanh giảm giá và xóa gần như toàn bộ mức tăng của tháng trước đó. Giới chuyên gia nhận định xu hướng giảm giá của đồng USD có thể sẽ tiếp tục trong ngắn và trung hạn.
Theo kết quả thăm dò mới nhất của hãng thông tấn Reuters đối với 90 chiến lược gia ngoại hối hàng đầu quốc tế tuần qua, giới đầu tư nhận định đồng USD sẽ suy yếu so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trong năm nay, chủ yếu do chênh lệch lãi suất giữa các nước không còn nới rộng. Diễn biến này sẽ khiến đồng bạc xanh rơi vào thế phòng thủ sau nhiều năm tăng giá liên tiếp.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) giao dịch thanh toán quốc tế bằng đồng USD hoặc dựa trên đồng USD đã giảm trong suốt 1 thập kỷ qua từ 51,3% từ năm 2013 xuống chỉ còn hơn 40% trong tháng 1/2023.
Còn nếu dựa trên tỷ lệ dự trữ quốc tế bằng đồng USD, thì tỷ lệ này hiện nay cũng chỉ đạt khoảng 60% theo số liệu tính đến quý IV/2022 của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Tỷ lệ này đã giảm từ khoảng 70 - 80% của những năm 70 từ thế kỷ trước.
Vị thế đồng USD có đang dần suy yếu? Đây là chủ đề được bàn luận sôi nổi trên nhiều mặt báo tại châu Âu tuần qua.
Giá vàng vượt ngưỡng 2.000 USD. Vàng tăng giá, trong khi đồng USD mất giá. So với Euro, vàng cũng tăng, nhưng tăng không nhiều.
Nhật báo kinh tế Mặt trời 24h ra tại Italy hôm thứ Năm (6/4) tuần trước cho rằng giá vàng vượt 2.000 USD đạt kỷ lục mới do lạm phát, khủng hoảng ngân hàng và biến động địa chính trị. Trên thế giới, nhiều ngân hàng trung ương tăng tốc mua vàng dự trữ trong hơn một năm vừa qua, song hành với xu hướng giảm dần sử dụng đồng USD.
Xu hướng giảm phụ thuộc vào đồng USD sẽ diễn ra với tốc độ mạnh hơn trong thời gian tới. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)
Những biến động địa chính trị lúc này đang định hình lại vị thế của đồng USD. Tờ El Día de Córdoba của Tây Ban Nha viết: "Trong các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, ngăn chặn dự trữ ngoại hối của Nga là một yếu tố quyết định. Ngân hàng trung ương của các quốc gia duy trì quan hệ thương mại và tài chính với Nga, như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ, do vậy đã lập tức bán bớt USD mua thêm vàng. Ba nước này đã đứng đầu thế giới về lượng vàng mua vào trong năm 2022".
Về dài hạn, theo bài báo, phi USD hóa đang diễn ra dần dần trong hệ thống tiền tệ quốc tế, chuyển đổi từ hệ thống đơn cực, lấy đồng USD làm trung tâm, sang hệ thống đa cực. Vào những năm 1970, USD chiếm 80% dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương, ngày nay USD chỉ còn chiếm 60%, thay vào đó đồng Euro chiếm 20%.
Tỷ trọng sử dụng đồng USD cũng đang giảm trong thanh toán quốc tế. Tờ Jornal de Negócios cho biết, đồng tiền xanh hiện chỉ còn chiếm 40% trong tổng số thanh toán quốc tế, vẫn là vị trí đứng đầu, nhưng đã vị thế kém xa trước đây, do đồng Euro ngày càng được sử dụng nhiều trong ngoại thương.
Tờ báo Bồ Đào Nha viết: "Quá trình phi USD hóa đã diễn ra chậm chạp trong vài thập kỷ qua và dường như đã tăng tốc kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine từ đầu năm 2022".
Một bài phân tích trên tờ Le Figaro của Pháp số ra hôm thứ Ba (4/4) tuần trước đã chỉ rõ, vị thế USD suy giảm còn do chính nước Mỹ sử dụng đồng tiền của mình như một vũ khí tạo áp lực chính trị, do đó dù không chủ ý, cũng đã thúc đẩy xu hướng truất ngôi đồng tiền của chính mình.
Mỹ loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT là ví dụ mới nhất, buộc Nga phải quay sang đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Tờ báo Pháp viết: "Quá trình từ bỏ đồng USD diễn ra rất chậm chạp. Nhưng rõ ràng đó là một xu hướng không thể đảo ngược".
Đồng Nhân dân tệ dầu mỏ cạnh tranh với USD dầu mỏ
Có thể thấy xu hướng giảm phụ thuộc vào đồng USD sẽ diễn ra với tốc độ mạnh hơn trong thời gian tới. Thị trường năng lượng có thể sẽ là nơi chứng kiến việc "phi USD hóa" nhanh hơn cả.
Tuần trước, quyết định "siết van bơm" bất ngờ của OPEC+ tác động tới giá dầu. 40% sản lượng của OPEC+ hiện đang đến từ Nga, Venezuela và Iran. Đây đều là các nước đang chịu cấm vận của Mỹ. Với những nước này, việc từ bỏ USD trong các giao dịch dầu mỏ không còn gì mong muốn hơn.
Hiện nay, Trung Đông hay Nga đang nhắc nhiều hơn tới đồng Nhân dân tệ dầu mỏ (Petro Yuan) - một đối trọng với đồng Petro Dollar (đồng USD dầu mỏ). Ý tưởng về đồng Nhân dân tệ dầu mỏ đã có từ năm 2018. Đây được coi là ý tưởng có tham vọng cạnh tranh vị thế với đồng USD dầu mỏ, được hình thành từ những năm 1970.
Cuộc gặp của nhà lãnh đạo Trung Quốc với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và Saudi Arabia vào tháng 12/2022 đã đánh dấu sự chấp nhận rộng rãi hơn đối với đồng Nhân dân tệ dầu mỏ (Petro Yuan). Theo đó, các nước mua dầu mỏ sẽ dùng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc để trả cho các nước xuất khẩu dầu.
"Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn dầu từ các nước vùng Vịnh và mở rộng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng. Trung Quốc cũng sẽ tận dụng tối đa Sàn Giao dịch Năng lượng Quốc tế Thượng Hải như một nền tảng để thực hiện thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch dầu khí", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh.
Saudi Arabia xuất khẩu 7,3 triệu thùng dầu mỗi ngày. Trong đó, Trung Quốc mua 25% lượng dầu xuất khẩu của nước này. Nếu lượng dầu đó được mua bằng Nhân dân tệ, đồng tiền của Trung Quốc sẽ có vị thế khác. Tờ The Wall Street Journal hôm 15/3 vừa qua cho biết chính quyền Saudi Arabia đang cân nhắc định giá doanh thu bán dầu của mình bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc thay vì USD của Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký 14 thỏa thuận kinh tế trong chuyến công du của ông Tập đến Nga cuối tháng 3 vừa qua. Mục tiêu là nâng thương mại 2 chiều đạt 200 tỷ USD vào năm sau. Giới quan sát nhận định cả hai nước đang tìm cách tạo ra đối trọng với sự thống trị toàn cầu của đồng USD.
"Chúng tôi ủng hộ việc sử dụng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc để thanh toán giữa Nga và các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latin. Tôi tin tưởng rằng các hình thức thanh toán bằng nhân dân tệ này sẽ phát triển giữa các đối tác Nga và các đối tác của họ ở các nước thứ ba", Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định.
Trước đó, Tập đoàn Gazprom của Nga cho biết đã ký thỏa thuận với Trung Quốc để bắt đầu chuyển sang thanh toán khí đốt bằng đồng Nhân dân tệ và Ruble thay vì USD. Đặc biệt, lần đầu tiên đồng Nhân dân tệ đã vượt qua đồng USD để trở thành đồng tiền được giao dịch nhiều nhất ở Nga trong tháng 2 và sự chênh lệch càng rõ rệt hơn trong tháng 3.
Các chuyên gia cho rằng, việc hai bên chấp nhận trao đổi bằng đồng tiền của nhau, ở đây là đồng Nhân dân tệ (Nhân dân tệ dầu mỏ - Petro Yuan) chỉ là chuyện thuận mua - vừa bán. Tuy nhiên nếu nhìn sâu xa hơn, việc đa dạng thanh toán để giảm rủi ro cũng đang là chiến lược được nhiều quốc gia sử dụng trong thanh toán dầu mỏ. Do vậy, hoàn toàn có cơ sở để nói rằng, vị thế đồng USD có thể sẽ giảm dần trước tiên là trên thị trường vàng đen của thế giới. Còn sự thống trị của đồng USD sẽ vẫn còn rất lớn trong dự trữ hay tỷ lệ vay nợ của thế giới trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!