Việt Nam 2045 là bức tranh đẹp mà ai cũng có cơ hội đặt nét vẽ

VTV Digital-Thứ ba, ngày 09/03/2021 06:06 GMT+7

VTV.vn - Theo Nghị quyết của Đại hội Đảng 13 vừa qua, đến năm 2045, Việt Nam sẽ là nước phát triển, có thu nhập cao.

Năm 2045 – 1/4 thế kỷ tới - sẽ tròn 100 năm kể từ ngày thành lập nước. Đối thoại 2045 - sự kiện lần đầu tiên được tổ chức - là sáng kiến của người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây sẽ là nơi hội tụ của tầng lớp doanh nhân, trí thức, các khối trong xã hội, cùng nhau hiến kế, tìm ra giải pháp kinh tế với khát khao đưa Việt Nam trở nên thịnh vượng vào năm 2045.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: "Việt Nam 2045 là bức tranh đẹp mà tất cả chúng ta và các thế hệ tương lai có cơ hội đặt nét vẽ của mình lên trên đó!".

Theo Nghị quyết của Đại hội Đảng 13 vừa qua, đến năm 2045, Việt Nam sẽ là nước phát triển, có thu nhập cao, đồng nghĩa, quy mô GDP của nước ta sẽ phải đạt khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 18.000 USD/năm. Có thể nói, đây là một mục tiêu khá cao và đầy thách thức, đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn đang đối mặt với nhiều trở ngại, cùng với những biến động khó lường trên thế giới! Tuy nhiên, với sáng kiến chương trình "Đối thoại 2045" người đứng đầu Chính phủ tin rằng sẽ khơi dậy khát vọng về sự thịnh vượng, phồn vinh của đất nước trong mọi tầng lớp nhân dân bởi một khi đã có ý chí, sự đồng lòng, một khát vọng đủ to lớn, cơ hội sẽ đến.

Việt Nam 2045 là bức tranh đẹp mà ai cũng có cơ hội đặt nét vẽ - Ảnh 1.

Đối thoại 2045 diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: VGP)

Cần giải phóng mọi nguồn lực để đất nước phát triển

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: 2045 – 1/4 thế kỷ, đó là một khoảng thời gian đủ dài để xuất hiện những tập đoàn khổng lồ mang tên Việt Nam. Giống như những năm trước đây, rất nhiều người trong hội trường này chưa có tên trong bản đồ kinh tế Việt Nam. Chúng ta có đủ niềm tin, đủ khát vọng rằng các bạn tiếp tục đóng góp cho sự thành công của đất nước. Chúng ta cần giải phóng mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, tổng động viên mọi sức mạnh còn tiềm ẩn trong khoảng 100 triệu dân người Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài".

Sự kiện Đối thoại 2045 lần đầu tiên vừa qua đã thu hút sự tham gia của hàng loạt doanh nghiệp, những tên tuổi hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực kinh tế của cả nước. Ước tính, tổng doanh thu của những doanh nghiệp đầu ngành này lên tới 26 tỷ USD.

Đây có thể nói là những bức ảnh đọng lại trong rất nhiều người về một sự kiện Đối thoại đầy ấn tượng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bắt tay từng nhân vật, từng doanh nhân, từng trí thức tham gia chương trình. Những cái 'bắt tay" thể hiện sự trân trọng, sự kỳ vọng, mong muốn sự đồng hành cùng Chính phủ trong hành trình dài, đầy thách thức đến năm 2045. Tại sự kiện này, đại diện các doanh nghiệp lớn cũng đã đóng góp nhiều kiến nghị, hướng đến 3 yếu tố quan trọng sau đây.

Việt Nam 2045 là bức tranh đẹp mà ai cũng có cơ hội đặt nét vẽ - Ảnh 2.

Thủ tướng phát biểu khai mạc Đối thoại. Ảnh: VGP

Tiếng nói của những con "sếu đầu đàn"

ĐẦU TƯ CƠ SỞ HẠ TẦNG

Đại diện tập đoàn Masan cho biết, theo tính toán hiện nay, chi phí lưu thông hàng hóa (logistics) từ sản xuất đến tiêu dùng chiếm đến 30% giá mà người tiêu dùng phải trả.

Nếu như bài toán đầu tư hạ tầng lưu thông hàng hóa được đầu tư tốt sẽ giúp doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí, tăng sức cạnh tranh, tăng nội lực cho kinh tế Việt Nam.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, nói: "Câu hỏi lớn là làm cách nào để mình có thể xuất phát sau nhiều thử thách nhưng mà đến đích không trễ hơn hoặc may mắn là đến trước! Vậy cơ hội để mà đi sau nhưng lại đến đích trước nó nằm ở đổi mới nền tảng cạnh tranh và tìm cách tạo ra những năng lực cạnh tranh vượt trội. Vấn đề lớn nhất là tạo ra năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng phân phối".

ĐỔI MỚI THỂ CHẾ

Cần có những cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh. Đại diện quỹ đầu tư Vinacapital, để hướng tới mục tiêu 2045, Việt Nam cần phát huy nội lực để đón ngoại lực.

Để thu hút được các tập đoàn lớn đến đầu tư vào Việt Nam, một chỉ số quan trọng đó là Chỉ số thuận lợi kinh doanh. Ông kiến nghị Nhà nước cần phải rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư.

Ông Don Lâm, Chủ tịch quỹ đầu tư VinaCapital, cho biết: "Nhiều tập đoàn lớn tới Việt Nam, họ rất muốn gặp lãnh đạo đứng đầu ở đây, ví dụ như nếu họ muốn đầu tư vào 500 triệu USD thì họ không thể nào mà đi gặp một số ban ngành và mất ít nhất từ 3-5 năm để lấy 1 giấy phép".

Xuất khẩu gỗ hiện nay đã đạt mục tiêu đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu, quá trình hội nhập ngày một sâu rộng. Do đó, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sự chung tay, hỗ trợ có tính liên tục của Chính Phủ trong các vấn đề về tranh chấp thương mại. Ví dụ như câu chuyện dự tính áp thuế của Hoa Kỳ lên hàng hóa Việt Nam gần đây.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, chia sẻ: "Chúng tôi hiểu rằng có nhiều thay đổi trong Chính phủ sắp tới, rất mong những vị kế nhiệm sẽ nắm chắc tình hình, có đầy đủ thông tin và quyết liệt vào cuộc để chúng ta tiếp tục có những ứng phó phù hợp như vậy và làm cho mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ổn định hơn, giúp chúng tôi an tâm hướng tới mục tiêu Đối thoại 2045 mà Thủ tướng đã đề ra hết sức mạnh mẽ như vậy!".

CÔNG NGHỆ

Đây có thể nói là từ khóa xuất hiện hầu hết trong phát biểu của các doanh nghiệp, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng, đổi mới công nghệ trong quản lý, vận hành, sản xuất, tăng sức cạnh tranh.

Lấy ví dụ như sự cố đang diễn ra trên sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đại diện FPT cho rằng, doanh nghiệp tư nhân trong nước hoàn toàn có thể xử lý trong vòng 2 tháng, chỉ cần Nhà nước tin tưởng và trao cơ hội.

Việt Nam 2045 là bức tranh đẹp mà ai cũng có cơ hội đặt nét vẽ - Ảnh 3.

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch tập đoàn FPT.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, cho biết: "Chúng tôi có thể giải quyết thật là nhanh! Giờ chỉ cần niềm tin của Chính phủ đối với doanh nghiệp tư nhân!".

Tại sự kiện, những nữ doanh nhân Việt Nam, những tên tuổi đã từng được vinh danh trên Forbes châu Á, cũng đã có những ý kiến đóng góp, với ước muốn kinh tế tư nhân sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế đất nước.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, nhận định: "Để làm được điều này cho 25 năm sau, trách nhiệm của chúng ta ngay bây giờ là sẽ tạo một nền móng vững chắc, dư địa phát triển rộng lớn cho những thế hệ sau này, con cháu chúng ta sẽ được sống trong 1 quốc gia phát triển".

Bà Thái Hương, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn TH Milk nói: "Phải có ngành nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, với một thế hệ doanh nhân hướng tới phát triển bền vững, các sản phẩm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe con người".

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air, cho biết: "Chính phủ hãy tin tưởng vào kinh tế tư nhân, hỗ trợ hình thành tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh, thương hiệu quốc gia, quốc tế… Các cơ chế vướng mắc, thủ tục đầu tư, thuế phí… chúng tôi cũng mong chúng ta cải cách đổi mới toàn diện xuyên suốt".

Dự báo đến năm 2030, kinh tế tư nhân sẽ chiếm 60% GDP, đóng vai trò quan trọng cho mục tiêu Việt Nam thịnh vượng.

Đặt câu hỏi 25 năm nữa, liệu Việt Nam có đạt được mục tiêu là nước phát triển, thu nhập cao? Các chuyên gia tại Đối thoại 2045 cho rằng, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được nếu như Việt Nam có các doanh nghiệp tầm cỡ thế giới và tăng trưởng kinh tế cao trong thời gian dài. Đây sẽ là thách thức lớn, tuy nhiên, như câu nói của mục sư nổi tiếng Martin Luther King "Niềm tin là bước chân đầu tiên, cho dù bạn không thể nhìn thấy hết cả cầu thang, hãy cứ đi bước đầu tiên"!

Việt Nam 2045 là bức tranh đẹp mà ai cũng có cơ hội đặt nét vẽ - Ảnh 4.

"Hãy cứ đi những bước đầu tiên"

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn chia sẻ, có thể sẽ có nhiều người hoài nghi về mục tiêu thịnh vượng của Việt Nam năm 2045. Tuy nhiên, theo ông mục tiêu đặt ra phải đủ cao và đủ thách thức, trở thành một khát vọng lớn để Việt Nam theo đuổi.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn chia sẻ: "Việt Nam được cộng đồng quốc tế nhắc đến như là 1 ngôi sao đang lên trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Nếu là 1 phép tính với giả định Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng trung bình 7%/năm, Việt Nam hoàn toàn có thể chạm ngưỡng thu nhập cao theo chuẩn của NHTG. Thách thức của Việt Nam là làm sao duy trì được tăng trưởng thực khi quy mô kinh tế của Việt Nam ngày càng lớn, và bối cảnh thế giới ngày càng bất định".

Ngoài ra, theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Việt Nam cần có 2 nguồn lực rất quan trọng: đó là những doanh nhân, doanh nghiệp hàng đầu, và những trường đại học hàng đầu. Do vậy, cần cơ chế thích hợp để thu hút các tài năng trong và cả ngoài nước.

TS. Vũ Thành Tự Anh - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhận định: "Chúng ta chưa có hệ sinh thái, môi trường thật sự xuất sắc trong nước. Những người tài vẫn phải "nở hoa" ở nước ngoài. Tạo ra môi trường để có những người tài này là điều kiện để Việt Nam có các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học lớn".

Ngoài ra, các chủ đề bao gồm nhiều lĩnh vực như văn hóa, xã hội, môi trường, kinh tế, an ninh quốc phòng… cũng sẽ được đưa ra bàn luận trong các chương trình Đối thoại 2045 sắp tới.

"Vượt qua tư duy nhiệm kỳ để đảm bảo tính liên tục", đây cũng là điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Ông cho biết, đây sẽ là sự kiện thường niên giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính Phủ với cộng đồng doanh nghiệp, trí thức, các thành phần xã hội, nhằm thúc đẩy các nỗ lực, cải cách bền bỉ liên tục, xuyên suốt, nhất quán nhằm sớm hiện thực hóa khát vọng Việt Nam 2045.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước