Nếu tổng sản phẩm trong nước tăng 10% thì sản lượng điện phải tăng 15% và nếu hình thành các trung tâm dữ liệu để phục vụ chuyển đổi số thì sản lượng điện có thể phải tăng đến 20%.
Trước nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao và đảm bảo đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, việc tiếp tục triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là hết sức cấp thiết, bảo đảm mục tiêu cung cấp nguồn điện có quy mô công suất đủ lớn, ổn định, là nguồn năng lượng xanh và bền vững.
Điện hạt nhân đáp ứng yêu cầu phát triển xanh khi Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ tiến tới mục tiêu phát thải bằng 0 - Ảnh: AFP
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại sau vài năm nữa và trở thành nước công nghiệp phát triển hàng đầu châu Á sau hơn 20 năm nữa. Vì thế, theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất hệ thống điện hiện nay từ khoảng 80 GW sẽ phải tăng lên 150 GW vào năm 2030 và lên đến khoảng 570 GW năm 2050. Tuy nhiên, nguồn năng lượng tái tạo khó có sự ổn định còn các nguồn điện nền hiện nay đều đang gặp khó.
Ông Đoàn Ngọc Dương - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương cho biết: “Về cơ bản, nguồn điện than chúng ta sẽ hạn chế không phát triển với lí do là giảm phát thải. Điện khí chúng ta sẽ phát triển quy mô phù hợp. Tuy nhiên, điện khí cơ bản phải nhập khẩu từ quốc tế. Vấn đề về nguồn cung dài hạn sẽ bị ảnh hưởng bởi những biến động chính trị trên thế giới”.
Trong khi đó, phát triển điện hạt nhân có thể cân bằng nguồn cung năng lượng, đảm bảo phụ tải nền và an ninh năng lượng cho nền kinh tế và xã hội trong dài hạn. Phải đủ điện cho tăng trưởng, đặc biệt trong tiến trình chuyển đổi số với sự xuất hiện của tài nguyên mới vô hạn là dữ liệu. Nhưng hạ tầng dữ liệu thì điều kiện tiên quyết là phải đủ điện. Điện hạt nhân thế hệ mới với độ an toàn cao và khả năng cung cấp lượng điện lớn là lựa chọn phù hợp cho nhu cầu khổng lồ này.
Một viên nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân có kích cỡ nhỏ nhưng lượng điện năng tạo ra có thể tương đương một tấn than hoặc ba thùng dầu. Như vậy, có thể thấy, một trong những ưu điểm lớn nhất của điện hạt nhân là khả năng tích trữ, lưu trữ, đặc biệt trong những hoàn cảnh xảy ra biến động về giá cả, dịch bệnh hay địa chính trị.
Không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng, điện hạt nhân còn đáp ứng yêu cầu phát triển xanh khi Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ tiến tới mục tiêu phát thải bằng 0.
Ông Nguyễn An Trung - Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam chia sẻ: “Nguồn phát thải carbon đối với điện hạt nhân tương đương với phát thải thấp nhất hiện nay là điện gió hay chỉ bằng một nửa so với điện mặt trời. Đây là nguồn điện phát ổn định và có hiệu suất sử dụng cao, không phụ thuộc vào thời tiết, rất phù hợp để sử dụng làm nguồn điện nền”.
Việc phát triển nguồn điện hạt nhân ở Việt Nam mang lại nhiều tác dụng, giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng. Đây cũng là yếu tố rất quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài với các nguồn vốn tỷ USD vào Việt Nam. Và cũng là giải pháp đáp ứng được nhiệm vụ kép: vừa cung cấp điện nền, vừa đảm bảo môi trường cho phát triển bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!