Việt Nam cần xây dựng thương hiệu gạo nổi tiếng

Báo chí toàn cảnh-Chủ nhật, ngày 19/03/2017 10:23 GMT+7

VTV.vn - Báo chí trong tuần qua có nhiều bài viết về hội nghị quan trọng với tên gọi “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Hội nghị này nhằm chuẩn bị tâm thế cho ngành lúa gạo Việt Nam chuẩn bị đối mặt với những thách thức mới sau 30 năm đổi mới, giúp đưa đất nước từ một quốc gia thiếu đói, trở thành cường quốc xuất khẩu trong những năm qua.

Tuy nhiên, những năm gần đây, gạo Việt đang đối diện với những khó khăn rất lớn. Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, sau khi đạt đỉnh là 7,5 triệu tấn trong năm 2014 từ 6,7 triệu tấn vào năm trước đó đã giảm xuống 6,6 triệu tấn, 4,8 triệu tấn vào những năm tiếp theo. Hết tháng 2 năm nay, sản lượng gạo xuất khẩu chỉ đạt 0,79 triệu tấn. Và đáng buồn là cùng với đó, giá trị xuất khẩu gạo cũng giảm mạnh.

Trong thời gian tới, nhiều nước xuất khẩu gạo sẽ tăng lượng gạo xuất khẩu để giải quyết tồn kho nên nguồn cung sẽ rất lớn và như vậy, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ còn gặp phải nhiều khó khăn hơn nữa. Không chỉ vậy, gạo Việt Nam còn đang bị cạnh tranh ngay chính trên sân nhà bởi các loại gạo ngoại nhập.

Việt Nam cần xây dựng thương hiệu gạo nổi tiếng - Ảnh 1.

Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần nói thẳng, nói thật về những vướng mắc hiện nay, nhất là về xây dựng thương hiệu gạo, nâng cao chất lượng, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm. Và một trong những giải pháp đầu tiên phải tiến hành, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đó là cần tập trung xây dựng thương hiệu gạo nổi tiếng của đất nước vì đến nay Việt Nam chưa có.

Xây dựng thương hiệu gạo là rất quan trọng, nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều biện pháp cần tiến hành cùng lúc, thậm chí trước khi xây dựng thương hiệu như nâng cao hiệu quả của quy trình sản xuất lúa gạo, từ đó tăng tính cạnh tranh. Và để làm được điều đó, rất cần những thay đổi, điều chỉnh về mặt chính sách, đặc biệt là đối với hạn điền.

Đang có rất nhiều vấn đề đối mặt với ngành lúa gạo, và những ảnh hưởng của nó đã được nhìn thấy rõ trên nhiều khía cạnh, đó là sự kém cạnh tranh của sản phẩm trong xuất khẩu cũng như thị trường nội địa, sự manh mún thiếu quy hoạch trong sản xuất, và những chính sách không phù hợp đang làm mất đi cơ hội của những người đang đau đáu với sự phát triển của ngành nông nghiệp. Và do đó, rất cần một tầm nhìn mới, một quy hoạch chiến lược giúp ngành lúa gạo tự làm mới mình tại thời khắc của một công cuộc đổi mới đang phía trước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước