Việt Nam chủ động đáp ứng cam kết và thực thi EVFTA

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 07/08/2020 06:00 GMT+7

Ngành dệt may được hưởng lợi lớn từ EVFTA. Ảnh: Reuters.

VTV.vn - Kể từ ngày 1/8, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực. Việt Nam đã bước lên tuyến đường cao tốc để tiến vào thị trường EU - vốn được coi là cao cấp hàng đầu thế giới.

EVFTA: Kết tinh của quá trình hội nhập tích cực

Ngày 12/2 vừa qua, hơn 400 trong 633 nghị sỹ của Nghị viện châu Âu đã biểu quyết phê chuẩn 2 Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam được EU gọi là một "thỏa thuận tham vọng, chi tiết, hiện đại nhất mà liên minh này từng ký với một nước đang phát triển".

Việt Nam chủ động đáp ứng cam kết và thực thi EVFTA - Ảnh 1.

Ngày 08/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Nghị quyết phê chuẩn thông qua Hiệp định EVFTA đã được 100% số đại biểu biểu quyết thông qua. Đồng thời, Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa với Liên minh châu Âu cũng được tuyệt đại đa số các đại biểu tán thành biểu quyết thông qua.

Để có được kết quả rất tốt đẹp này, hai bên đã mất gần 10 năm kể từ khi khởi động đàm phán.

Kể từ đầu năm 2018, nhiều chuyến ngoại giao con thoi giữa Hà Nội và các nước châu Âu được tiến hành nhằm vận động các cơ quan của châu Âu triển khai các thủ tục để ký chính thức và phê chuẩn hai Hiệp định.

Ngày 30/6/2019, Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã được ký kết. EVFTA  đưa Việt Nam trở thành đối tác hàng đầu của EU trong ASEAN và là một trong những nước châu Á-Thái Bình Dương mà EU có quan hệ sâu rộng nhất.

Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA

Chưa đầy 1 tuần sau khi Hiệp định có hiệu lực và chưa đầy 24 giờ sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực thi Hiệp định này, ngày hôm nay, hôm nay (6/8), Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực thi Hiệp định này.

Việt Nam chủ động đáp ứng cam kết và thực thi EVFTA - Ảnh 2.

Đây là lần đầu tiên Chính phủ tổ chức hội nghị để triển khai đồng bộ và toàn diện một Hiệp định Thương mại tự do trên phạm vi toàn quốc ở cả 3 cấp độ là Chính phủ, chính quyền các địa phương và doanh nghiệp.

Trong Chương trình hành động thực thi Hiệp định EVFTA được công bố ngày hôm nay, đã nêu ra 5 nhóm nhiệm vụ cụ thể:

- Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước đối tác EVFTA

- Công tác xây dựng pháp luật, thể chế

- Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực

- Chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp

- Chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Chủ động đáp ứng cam kết và thực thi EVFTA

Bước vào thực thi EVFTA được cho là sẽ tạo sức ép để Việt Nam tăng tốc nhanh hơn từ 5 đến 10 năm thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng lực cạnh tranh trên cả ba cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm... Ở cấp độ cao nhất - cấp quốc gia, thời gian qua, Việt Nam đã có những bước tăng tốc, chuẩn bị cho điều này.

Việt Nam chủ động đáp ứng cam kết và thực thi EVFTA - Ảnh 3.

Đơn cử trong cải cách hành chính, chỉ trong 5 năm, Việt Nam đã cắt giảm 3900 điều kiện kinh doanh, gần 6800 danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Các thủ tục hành chính về thuế được đơn giản hoá,thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm từ 537 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm.

Đối với yêu cầu về lao động và phát triển bền vững, cho đến thời điểm này, Việt Nam đã phê chuẩn 7 trong số 8 Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO. Đồng thời, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 cũng đưa khung pháp lý tiệm cận hơn với các công ước cơ bản của ILO,  cho thấy sự chủ động của Việt Nam để tạo ra một môi trường pháp lý cần thiết từ trước khi gia nhập những hiệp định thế hệ mới như EVFTA.

Bên cạnh việc tuân thủ và nội luật hóa các cam kết để thực thi Hiệp định, Quốc hội và Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật để chủ động khai thác các lợi thế, thời cơ và ứng phó với các thách thức mà Hiệp định mang lại. Còn ở góc độ doanh nghiệp cũng cần những chương trình hành động cụ thể bởi đến nay, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hiểu đúng về EVFTA. Hơn nữa, có tới 40% DN khó cải thiện điều kiện lao động; 55% DN khó đầu tư vào công nghệ mới; 59% DN khó đáp ứng yêu cầu nội địa hóa. Tuy nhiên, sức ép mà EVFTA mang lại là sức ép cần thiết và theo lộ trình phù hợp. Như vậy, tuyến đường cao tốc đã mở và giờ là lúc tìm cách tăng tốc trên con đường đó.

Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 6/8 với khách mời là ông Pier Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, sẽ trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này.

Vấn đề hôm nay - 06/8/2020


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước