Việt Nam có nhiều lợi thế xuất khẩu trực tuyến

VTV Digital-Thứ tư, ngày 02/11/2022 14:04 GMT+7

VTV.vn - Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để có thể thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến.

Doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến

Xuất khẩu trực tuyến là hình thức xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Khi tham gia, doanh nghiệp sẽ được kết nối, tìm kiếm khách hàng toàn cầu và thực hiện các hoạt động mua bán.

Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường Zion Market Research, tốc độ tăng trưởng hàng năm của thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu từ năm 2020 đến năm 2027 sẽ đạt hơn 28%. Tận dụng cơ hội này, nhiều doanh nghiệp Việt đang tìm đến "tấm hộ chiếu thông hành" từ các sàn thương mại điện tử quốc tế.

Theo doanh nghiệp, việc đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, mà còn rút ngắn thời gian tìm hiểu khách hàng, cải tiến sản phẩm.

Các chuyên gia cho biết, xuất khẩu trực tuyến sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là các doanh nghiệp khởi nghiệp, có cơ hội bình đẳng vươn ra thị trường thế giới, trước các đối thủ có tiềm lực vốn mạnh. Đây là một ưu điểm so với xuất khẩu truyền thống.

"Các doanh nghiệp ở quy mô khác nhau, một trong những điều họ quan tâm lớn nhất là làm sao để tiếp cận khách hàng nhanh nhất với chi phí tốt nhất, làm thế nào để marketing được mình và giúp khách hàng hiểu rõ sản phẩm", bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp IBP, cho hay.

Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2017, hiện nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới này đang hợp tác với hàng nghìn doanh nghiệp Việt. Trong năm 2022, gần 10 triệu sản phẩm Made in Việt Nam đã được bán ra toàn cầu thông qua các cửa hàng trực tuyến của họ.

"Tất nhiên sẽ tùy thuộc vào khung so sánh của từng thị trường và thời điểm. Tuy nhiên, nếu nhìn lại 2017, tại thời điểm đó, hàng Việt bán ở Mỹ khá ít ỏi. Đến năm nay, con số 10 triệu sản phẩm từ nhà bán hàng Việt Nam đến tay khách hàng toàn cầu của Amazon thực sự là con số ấn tượng", Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam Gijae Seong thông tin.

Cũng theo Amazon Global Selling, 5 ngành hàng của Việt Nam bán chạy nhất trên nền tảng này là dụng cụ nhà bếp, đồ gia dụng, may mặc, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cá nhân, tiện ích gia đình.

Việt Nam có nhiều lợi thế để xuất khẩu trực tuyến

Số liệu từ đơn vị nghiên cứu thị trường AlphaBeta cho thấy, xuất khẩu thông qua thương mại điện tử tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng 20% mỗi năm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được các chuyên gia đánh giá là có nhiều lợi thế để có thể thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến.

Việt Nam có nhiều lợi thế xuất khẩu trực tuyến - Ảnh 1.

Nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam đã có mặt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử xuyên quốc gia. (Ảnh: NLĐ)

Báo cáo mới nhất của Google, Temasek và Bain&Company cho thấy, kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%.

Con số này, cùng với mức tăng trưởng bình quân 20% của thương mại điện tử đang thúc đẩy mạnh mẽ hình thức xuất khẩu trực tuyến.

"Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử sẽ là đà để Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu trực tuyến mạnh, vì khi thói quen sử dụng dịch vụ kỹ thuật số của người dùng, đặc biệt với dịch vụ của thương mại điện tử sẽ tạo cơ hội cho những ngành nghề khác", bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám Đốc Truyền Thông Google châu Á -Thái Bình Dương, đánh giá.

Ngoài sự nhộn nhịp của các hoạt động online, các nhà đầu tư nước ngoài còn cho rằng, yếu tố vĩ mô ổn định chính là một trong những lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia sân chơi quốc tế, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động.

Bên cạnh lợi thế, không thể không kể đến những thách thức dành cho một mô hình kinh doanh mới mẻ.

"Việt Nam có rất nhiều các tên tuổi trên sân chơi thương mại điện tử nội địa, nhưng cách thức kinh doanh với Amazon hoàn toàn khác với các đơn vị này. Hình thức xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn khá sơ khai, vì vậy cần củng cố thêm, tạo ra sự ổn định về hệ sinh thái để các nhà bán hàng khai thác, phát triển", ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, nhận định.

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp phải thay đổi tâm thế, xây dựng một đội ngũ vận hành riêng và đầu tư nguồn lực một cách nghiêm túc cho xuất khẩu trực tuyến.

Hiện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đang phối hợp với các hiệp hội, nền tảng tổ chức nhiều chương trình đào tạo để doanh nghiệp không chỉ bán được hàng mà còn xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục có những lớp đào tạo chuyên sâu theo từng nhóm doanh nghiệp, từng mặt hàng, lĩnh vực để giúp họ có cách tiếp cận chuyên biệt hơn cho các sản phẩm, để tìm được các thị trường ngách, phân tích khả năng bán hàng, kỹ năng marketing", bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cho biết.

Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong top 10 thị trường hàng đầu trên thế giới về mức tăng trưởng doanh số thương mại điện tử bán lẻ vào năm 2022, theo báo cáo của Emarketer.

Các chuyên gia cho rằng, nếu xét đến tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 300 tỷ USD của Việt Nam năm 2021, thì tổng doanh số bán hàng trực tuyến xuyên biên giới còn rất nhỏ. Do đó, dư địa cho hình thức này vẫn còn rất lớn.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới có thể đạt hơn 11 tỷ USD vào năm 2026 Doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới có thể đạt hơn 11 tỷ USD vào năm 2026

VTV.vn - Theo Amazon Global Selling, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 3,3 tỷ USD (năm 2021) lên đến 11,1 tỷ USD vào năm 2026.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước