Nhà sản xuất chip của Mỹ AMD đã công bố kế hoạch đầu tư khoảng 400 triệu USD vào Ấn Độ trong vòng 5 năm tới và xây dựng trung tâm thiết kế công nghệ lớn nhất tại Bengaluru.
Chủ tịch Foxconn của Đài Loan, Trung Quốc cho biết, công ty thấy rất lạc quan với hướng đi, cũng như quyết tâm của chính phủ Ấn Độ trong lĩnh vực chip.
"Ấn Độ nhận ra rằng chất bán dẫn không chỉ là nhu cầu của riêng một nước, mà của cả thế giới. Chúng tôi sẵn sàng trở thành đối tác đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh.
Việc các công ty đang thay nhau thiết lập nhà máy ở Ấn Độ cho thấy "gió đã đổi hướng".
"Trải qua giai đoạn đứt gãy chuỗi cung ứng trong đại dịch, các nước trên thế giới nhìn nhận rõ hơn tầm quan trọng của chất bán dẫn. Nhiều nước đang đua nhau để cải thiện ngành công nghiệp bán dẫn, một tiềm năng to lớn cho tăng trưởng kinh tế. Các quốc gia như Ấn Độ và Thái Lan đều có những lợi thế nhất định như chi phí lao động rẻ hơn, hay lợi thế về quy mô kinh tế", ông Heron Lim, chuyên gia phân tích của Moody's Analytics, cho biết.
Sản xuất chất bán dẫn là lĩnh vực đang rất được quan tâm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Shutterstock)
Với thế mạnh là đội ngũ kỹ sư thiết kế chất bán dẫn được đào tạo bởi các viện công nghệ hàng đầu đất nước, Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin của Ấn Độ đã tiết lộ với Nikkei hồi tháng 7 năm nay về kế hoạch thu hút đầu tư sản xuất bán dẫn vào nước này và phát triển ngành công nghiệp địa phương.
Trong tháng 7 vừa qua, Ấn Độ cũng đã ký một biên bản ghi nhớ, tăng cường quan hệ đối tác với Nhật Bản, quốc gia có các công ty mạnh về quy trình đầu cuối và thiết bị sản xuất chip, để thúc đẩy hợp tác chuỗi cung ứng chất bán dẫn.
Còn tại khu vực Đông Nam Á, Tổng Thư ký Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Thái Lan đã gọi chất bán dẫn là một trong những mặt hàng quan trọng nhất với quốc gia.
Chính phủ nước này đã mở rộng các khoản giảm thuế doanh nghiệp dành cho các hãng chip, và tập trung mạnh vào việc thu hút các công ty tham gia vào các quy trình đầu cuối.
Trong khi đó, Việt Nam có các cơ sở sản xuất và nghiên cứu cho những công ty hàng đầu như Samsung Electronics và Intel. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây cũng đã yêu cầu các bộ ngành xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực, đặt mục tiêu đào tạo từ 30.000 - 50.000 kỹ sư sản xuất chất bán dẫn và chuyển đổi số.
"Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn. Nếu trong thời gian tới, Việt Nam có thể tạo ra các cụm công nghiệp khác nhau, giống như những gì chúng ta đã thấy ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, thì chuỗi giá trị sẽ được nâng tầm, và tạo ra động lực gây dựng các công ty công nghệ tốt tại Việt Nam", ông Heron Lim, chuyên gia phân tích của Moody's Analytics, nhận định.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Đạo luật Khoa học và CHIPS cũng bao gồm 500 triệu USD cho các khoản đầu tư để hỗ trợ các công ty xây dựng nhà máy bán dẫn trên phạm vi quốc tế. Nguồn kinh phí này có thể giúp các quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phát triển chuỗi cung ứng chất bán dẫn đa dạng và linh hoạt của riêng mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!