Dịch bệnh đã đem lại cơ hội đặc thù để hướng tới nền kinh tế "không tiếp xúc" thông qua việc đẩy mạnh thanh toán công nghệ số. Ảnh minh họa.
Nội dung trên có trong Báo cáo được công bố hôm qua của Ngân hàng Thế giới (WB). WB cho rằng kinh tế Việt Nam dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 trong nửa đầu năm 2020 nhưng vẫn giữ được triển vọng tích cực trước mắt và trong trung hạn.
Báo cáo của WB đưa ra ba khuyến nghị về các biện pháp bổ trợ nhau mà Chính phủ cần sớm thực hiện để tránh rơi vào bẫy kinh tế COVID-19 và có thể quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bao trùm trước đó. Biện pháp thứ nhất là cân nhắc và thận trọng từng bước gỡ bỏ hạn chế đi lại quốc tế, cân đối với những quan ngại về an toàn, do nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào du khách và đầu tư nước ngoài. Biện pháp thứ hai là đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư công hiện hành nhằm tăng cầu trong nước.
Việt Nam có thể trở thành quốc gia đi đầu trong thế giới công nghệ số tương lai. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả biện pháp trên cần đảm bảo nguồn lực được điều chuyển đến những dự án đem lại tác động tích cực lớn nhất cho cả nền kinh tế và việc làm, đồng thời giảm thiểu được tổn thất tài chính và kỹ thuật trong quá trình triển khai. Ba là cần hỗ trợ có mục tiêu cho khu vực tư nhân, đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất như du lịch, chế biến chế tạo cho xuất khẩu, thông qua hỗ trợ tài chính kết hợp với các chính sách khuyến khích thông minh.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể tận dụng một số xu hướng toàn cầu, vốn đang được đẩy nhanh bởi đại dịch COVID-19, nhằm thúc đẩy nghị trình trong nước. Chẳng hạn, trong hệ thống thương mại toàn cầu mới, Việt Nam có thể củng cố dấu ấn hiện nay của mình bằng cách gây dựng liên minh chiến lược với các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực xúc tiến thu hút các doanh nghiệp đang có kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.
Dịch bệnh đã đem lại cơ hội đặc thù để hướng tới nền kinh tế "không tiếp xúc" thông qua việc đẩy mạnh thanh toán công nghệ số, giáo dục trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa, chia sẻ dữ liệu số hóa. Qua đó, giúp đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh về dịch vụ có chất lượng của tầng lớp trung lưu trong nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!