Việt Nam – Điểm đến trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 30/06/2024 14:47 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam được nhận định là một trong các quốc gia được hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và là điểm đến đầu tư tích cực của các tập đoàn quốc tế.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều thách thức, cạnh tranh thương mại tăng, các quốc gia đang đẩy mạnh xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam được nhận định là một trong các quốc gia được hưởng lợi từ xu hướng này và là điểm đến đầu tư tích cực của các tập đoàn quốc tế.

Việt Nam tiếp tục là một trong những nước Đông Nam Á được hưởng lợi nhiều nhất từ chiến lược "Trung Quốc +1" - nhận định từ trang CNBC. Trang báo cho biết, ngay cả khi hiện diện ở Trung Quốc, các công ty vẫn đa dạng hóa hoạt động sản xuất bằng cách mở rộng sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Cùng chung nhận định, trang Nikkei cho biết, vị trí địa lý gần Trung Quốc và chi phí lao động thấp hơn đáng kể khiến các quốc gia như Việt Nam trở thành lựa chọn hàng đầu cho việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Sự chuyển dịch này đã giúp tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam

Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Khối phân tích, Ngân hàng Đầu tư Maybank cho biết: "Về FDI, chúng ta thấy rằng là chúng ta đang ở một thời điểm rất thuận lợi khi mà những yếu tố về dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu đang diễn ra và đặc biệt là chuỗi cung ứng về công nghệ, chuỗi cung ứng về chất bán dẫn.... Chúng ta ở vị trí địa lý thuận lợi cộng với chính sách ngoại giao rất khéo léo giữ được trạng thái trung lập. Chúng ta sẽ thấy rằng là làn sóng dịch chuyển của FDI công nghệ cao vào Việt Nam rất rõ rệt".

Việt Nam – Điểm đến trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng - Ảnh 1.

Môi trường kinh doanh Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư

Trang Thời báo hoàn cầu thì nhận định, không chỉ các doanh nghiệp quốc tế chuyển dịch sang Việt Nam mà các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư vào Việt Nam với các nét mới, chuyển từ các ngành có giá trị gia tăng thấp sang các ngành sản xuất trung cấp.

Trang Fibre2Fashion, trong trích dẫn đánh giá xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ S&P Global, cho biết, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam được hỗ trợ bởi triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, mức nợ chính phủ vừa phải và vị thế bên ngoài nhìn chung là tốt. Khi các tập đoàn đa quốc gia đa dạng hóa hoạt động trong khu vực, Việt Nam dự kiến sẽ thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáng kể vào lĩnh vực sản xuất xuất khẩu trong vài năm tới.

Ông Jose Vinals - Chủ tịch Tập đoàn Standard Chartered nhận định: "Khi xếp hạng tín dụng của bạn tăng lên, bạn có thể thu hút nhiều đầu tư hơn, cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài. Vì vậy, đó là một điều tích cực kép cho nền kinh tế Việt Nam. Và với một nền kinh tế rất cởi mở và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu như Việt Nam cần có sự đầu tư quốc tế để tiếp tục tăng trưởng và phát triển".

Theo ngân hàng Standard Chartered, về trung hạn, tăng trưởng của Việt Nam ở mức tốt nhờ thương mại, cùng dòng vốn đầu tư FDI mạnh mẽ. Về dài hạn, Standard Chartered đánh giá môi trường kinh doanh Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước