Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) thời gian gần đây nói nhiều tới một tầm nhìn đặc biệt có tên Chương trình Kinh tế D33. Cụ thể, đến năm 2033, kỷ niệm 200 năm thành lập tiểu vương này, Dubai đặt mục tiêu sẽ tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trở thành một trong những trung tâm của thế giới về tăng trưởng thông qua đa dạng hóa nền kinh tế và phát triển bền vững. Trong tầm nhìn ấy, nhiều doanh nghiệp Dubai giờ đây đang nhắc đến Việt Nam như một đối tác quan trọng để có thể thực hiện được mục tiêu mà Dubai đã đề ra.
Phòng Thương mại Dubai là một trong những cơ quan chính đảm trách phát triển và giao thương quốc tế tại nơi đây. Từ cuối năm ngoái, cơ quan này đã quyết định thành lập một văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Ông Mohammad Ali Bin Rashed Lootah - Chủ tịch Phòng Thương mại Dubai cho biết: "Chương trình kinh tế D33 đã xem ASEAN là một hành lang kinh tế quan trọng mà Dubai cần hướng tới. Chúng tôi vì thế đã quyết định thiết lập văn phòng của mình tại TP Hồ Chí Minh, bên cạnh Singapore và Jakarta của Indonesia. Bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể nhìn thấy các tập đoàn đa quốc gia thời gian qua đã và đang tập trung tới Việt Nam như thế nào. Nó là minh chứng cho thấy độ mở của nền kinh tế Việt Nam".
Chương trình kinh tế D33 của Dubai xác định để đạt được nhảy vọt về tăng trưởng cần lấy phát triển kinh tế kỹ thuật số là trung tâm. Cũng chính ở khía cạnh này, các doanh nghiệp Dubai nhìn thấy những tiềm năng từ Việt Nam.
"Chúng tôi đã cử đại diện tới Việt Nam để trực tiếp khảo sát và bị ấn tượng bởi sự chuyển mình của Việt Nam, trở thành một nền kinh tế giàu hàm lượng công nghệ. Điều đó đã tạo ra cho Việt Nam một nguồn nhân lực khá dồi dào trong lĩnh vực công nghệ. Thêm vào đó là môi trường cuốn hút các doanh nghiệp nước ngoài với các chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu cho các công nghệ cao hay thân thiện với môi trường", ông Faraz Ahmed Quddusi - Giám đốc điều hành tập đoàn QBS, Dubai cho biết.
Dubai sẽ đầu tư khoảng 20 tỷ USD để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo trong vòng 3 năm tới.
Theo kế hoạch, Dubai sẽ đầu tư khoảng 20 tỷ USD để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo trong vòng 3 năm tới. Nguồn đầu tư ồ ạt khiến các doanh nghiệp gấp rút đi tìm kiếm các đối tác trên thế giới hay các điểm đến đầu tư để đáp ứng kỳ vọng đề ra.
Ông Matar Almehiri - Công ty Công nghệ Meerana, Dubai đánh giá: "Việt Nam có một nguồn nhân lực về công nghệ có sức cạnh tranh tốt. Đây lại là đất nước có tính ổn định chính trị cao và không có vấn đề với bất cứ quốc gia nào cả. Sự kết hợp ấy khiến cho chúng tôi cảm thấy đầu tư làm ăn với Việt Nam thật dễ dàng".
Tại Vùng Vịnh, mọi người đang nói tới ngày càng nhiều hơn khái niệm xoay trục kinh tế hướng đông. Xoay trục, bởi trước đến nay trụ cột của các nền kinh tế Vùng Vịnh ngoài dầu mỏ thì thường là các khoản đầu tư vào các lĩnh vực như tài chính hay bất động sản sang các nền kinh tế phương Tây.
Nhưng nay, nhiều lĩnh vực mới đang được quan tâm, từ phát triển năng lượng xanh, số hóa nền kinh tế cho hay phát triển nông nghiệp để giải bài toán an ninh lương thực ở nơi đây. Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp Vùng Vịnh nhìn thấy không ít tiềm năng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!