Theo nghiên cứu, CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,32% tương đương với 1,7 tỷ USD. Lúc này nhiều nhận định thậm chí còn cho rằng chúng ta sẽ là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này.
Liệu bức tranh có thực sự nhiều sắc hồng như thế? Để trả lời câu hỏi này, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đơn vị trong nước duy nhất cho đến thời điểm này đã nghiên cứu và có báo cáo định lượng về tác động của CPTPP.
Việt Nam không phải là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP
Theo ông Trần Toàn Thắng, doanh nghiệp, Nhà nước đều kỳ vọng nhiều vào hiệp định này, tuy nhiên, chúng ta cần phải có cái nhìn tỉnh táo hơn. Việt Nam không phải là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất nếu tính theo giá trị tuyệt đối. Nhật Bản là quốc gia được nhiều nhất.
Trong trường hợp lợi ích với Việt Nam là không lớn nhưng nếu không tham gia, Việt Nam có thể bị thiệt, gọi là tác động chuyển hướng thương mại của các hiệp định. Ví như trường hợp của Mỹ, họ sẽ bị thiệt vì CPTPP và đây sẽ có thể là động lực để họ có thể quay lại với hiệp định này
Việt Nam có những ngành gì được hưởng lợi và những ngành nào sẽ gặp bất lợi từ Hiệp định này?
Ông Trần Toàn Thắng phân tích, lợi thế của Việt Nam vẫn là câu chuyện lao động giá rẻ, những ngành tận dụng lao động giá rẻ của Việt Nam vẫn là những ngành hưởng lợi trong đó có dệt may, da giày, dệt may có thể tăng trưởng 7,3%; da giày tăng trưởng hơn 6%. Trong đó, một số ngành sẽ có mức tăng trưởng giảm xuống, bị âm vì CPTPP như chăn nuôi và một số ngành dịch vụ, những ngành Việt Nam không có lợi thế nhiều về năng lực cạnh tranh.
Còn liên quan đến tỷ lệ xuất xứ, theo ông Trần Toàn Thắng, thời điểm này là một trong những điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam. Hiệp định này có thể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam vào trong khối, cũng kích thích nhập khẩu nhưng đang phụ thuộc khá nhiều vào các nước ngoài hiệp định là Trung Quốc và Hàn Quốc. Khi doanh nghiệp không vượt qua được tỷ lệ xuất xứ khu vực, đương nhiên họ không được hưởng lợi từ hàng rào thuế quan.
Cũng theo ông Thắng, sự tích cực thường mang tính giả định, bởi nó chỉ đến cùng với những sự cải cách kịp thời về mặt thể chế, độ sẵn sàng của doanh nghiệp nội địa, nếu không, những hiệp định tự do thương mại sẽ là áp lực rất lớn cho nền kinh tế.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!