Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, năng lực của các cảng biển và ngành logistics trong nước đang được nâng cấp và cải thiện. Ảnh minh họa - Báo Đầu tư.
Theo Tổng Cục Thống Kê, tổng giá trị xuất nhập khẩu của cả nước năm ngoái là 544 tỷ USD, tăng hơn 5% so với năm 2019. Với đà phát triển nhanh như hiện nay, tiềm năng phát triển của ngành cảng biển và logistics được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay.
Tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch, song khả năng tăng trưởng giao thương của cả nước vẫn được đánh giá khả quan dựa trên những hiệp định thương mại được kí gần đây, bao gồm Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Theo nhận định của Công ty CP Chứng khoán SSI, doanh thu của ngành cảng biển và logistics sẽ tăng đến 10% trong năm nay và ngành sẽ tiếp tục đà phát triển tầm 12 - 14% như các năm vừa qua.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, năng lực của các cảng biển và ngành logistics trong nước đang được nâng cấp và cải thiện. Với việc mở rộng quy mô các cảng biển như Cái Mép - Thị Vải và Lạch Huyện, Việt Nam sẽ thu hút được những tàu hàng có tải trọng lớn thay vì đến các cảng tại Singapore và Hong Kong.
Trong năm nay, cảng Gemalink, cảng nước sâu lớn nhất cả nước và top 19 cảng nước sâu lớn nhất thế giới, được dự báo sẽ đạt được mức vận hành lên tới 80% và 100% với 1,5 triệu TEU trong năm 2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!