Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1018 ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 với lộ trình 3 giai đoạn với những mục tiêu cụ thể.
Giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2030): tận dụng lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn, thu hút FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, một nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, với trên 50.000 kỹ sư, cử nhân.
Giai đoạn 2 (2030 - 2040): Mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu; phát triển công nghiệp bán dẫn, điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI.
Giai đoạn 3 từ năm 2040 đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử.
Với tầm nhìn nêu trên, Chiến lược đề ra 5 nhiệm vụ với các giải pháp thực hiện cụ thể.
Một là phát triển chip chuyên dụng. Theo đó, Việt Nam cần Nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, sản phẩm chip chuyên dụng thông qua đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu công nghệ lõi về bán dẫn.
Phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn trong nước, kết nối với hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn của các đối tác chiến lược; xây dựng nền tảng, công cụ dùng chung phục vụ khởi nghiệp sáng tạo, đào tạo chuyên gia, thiết kế, phát triển chip bán dẫn… Xây dựng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tài chính đặc biệt của Nhà nước để đầu tư xây dựng một nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao.
Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam phải đi cùng với phát triển ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp chuyển đổi số để tạo đầu ra cho chip bán dẫn. Nếu chỉ làm chip bán dẫn thì sẽ phụ thuộc đầu ra, phụ thuộc vào các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử.
Nhiệm vụ thứ ba là phát triển nguồn nhân lực và thu hút nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn.
Ngoài ra, một số nhóm nhiệm vụ khác được Thủ tướng chỉ đạo trong Chiến lược. Đó là xây dựng cơ chế ưu đãi cao nhất để thu hút có chọn lọc dự án đầu tư nước ngoài có hàm lượng công nghệ cao.
Nghiên cứu, thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư, có chính sách ưu tiên các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử có hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, sử dụng công nghiệp phụ trợ Việt Nam, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp Việt Nam. Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Thành lập Tổ Chuyên gia tư vấn chuyên môn về công nghiệp bán dẫn.
Trung tâm nhân lực toàn cầu không chỉ bao gồm nhân lực cho Việt Nam mà còn cho gia công, xuất khẩu lao động về công nghiệp bán dẫn
Đến năm 2023, Việt Nam sẽ có 50.000 kĩ sư ngành công nghiệp bán dẫn
Bước đi đầu tiên của Chiến lược là xây dựng Việt Nam thành một trong các trung tâm nhân lực toàn cầu về công nghiệp bán dẫn, từ đó tiến tới xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Trung tâm nhân lực toàn cầu không chỉ bao gồm nhân lực cho Việt Nam mà còn cho gia công, xuất khẩu lao động về công nghiệp bán dẫn. Để hiện thực hoá Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao triển khai Đề án phát triển nhân lực bán dẫn, với mục tiêu, đến năm 2030, nước ta sẽ có 50.000 kĩ sư ngành này.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) được giao nhiệm vụ là quản lý chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030 định hướng đến năm 2050, cung cấp ngay cho thị trường của Việt Nam và xuất khẩu ra nước ngoài, tận dụng ngay được cơ hội dân số vàng của chúng ta. Và chúng ta đang nắm giữ một nguồn lực rất mạnh là con người, nhưng phải được đào tạo, khai thác triệt để. Chúng ta đã mở các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, kết hợp với các công ty mạnh nhất trên thế giới về thiết kế bán dẫn. Đây là mục tiêu rất chiến lược, rất tham vọng.
Ông Nguyễn Chí Dũng nhận định thêm: "Ngành bán dẫn phụ thuộc nhiều yếu tố. Thứ nhất, phải có hệ sinh thái hình thành ở quốc gia đó. Phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ, phải có nguồn nhân lực, hạ tầng tốt. Đó là những điểm thu hút cho ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Tất cả đều phải được đồng bộ với nhau. Tôi tin, nếu chúng ta làm tốt từ Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, Quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành bán dẫn, nguồn nhân lực của chúng ta được chuẩn bị tốt, môi trường quá tốt, thủ tục của chúng ta được cải tiến. Chúng tôi cũng đang cải cách các thủ tục cho Luật Đầu tư rất mạnh mẽ để thuận lợi, hấp dẫn cho các nhà đầu tư, sẽ thu hút được rất nhiều nhà đầu tư đã, đang đến Việt Nam và sắp tới sẽ đến nhiều. Tôi kỳ vọng đây sẽ là một đóng góp rất lớn cho nền kinh tế thời gian tới".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!