Tuy tăng điểm nhưng do bảng xếp hạng năm nay có thêm 5 nền kinh tế mới nên xếp hạng chung Việt Nam đã lùi 3 bậc, xuống vị trí thứ 77 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá năm nay.
Với Việt Nam, hầu hết các tiêu chí quan trọng như ổn định kinh tế vĩ mô, y tế, quy mô thị trường, thị trường lao động… đều ở mức xếp hạng cao hoặc có nhiều cải thiện. Đây là sự ghi nhận của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về những tiến bộ tích cực của Việt Nam trong nỗ lực cải cách, xây dựng các yếu tố tăng trưởng cho dài hạn.
Tuy nhiên, bảng xếp hạng năm nay cũng đã chỉ ra một số tiêu chí của Việt Nam bị tụt hậu hoặc có thứ hạng thấp như năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, kỹ năng lao động và ứng dụng công nghệ thông tin… Nguyên nhân bởi những tiêu chí này đã có sự thay đổi khi bổ sung thêm các nội dung đánh giá mới bên trong nhằm nhấn mạnh yếu tố thúc đẩy ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần này cũng đã thay đổi cách thức đánh giá theo hướng xem xét các tiêu chí như nhau, thay vì đánh giá có trọng số, coi trọng những yếu tố căn bản của quốc gia như các lần đánh giá trước nên cũng gây bất lợi cho xếp hạng của Việt Nam 2018.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý, kết quả xếp hạng năng lực canh tranh của các quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào các số liệu mà Ngân hàng Thế giới có được từ các tổ chức quốc tế lớn. Các bộ, ngành chức năng của Việt Nam cần cập nhật số liệu thường xuyên hơn, bởi trong lần đánh giá này, có không ít số liệu về Việt Nam đã lạc hậu rất nhiều so với thực tế hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!