Tờ Pravda của Nga mới đây đã đăng bài phỏng vấn đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam Vyacheslav Kharinov, đánh giá rằng chính mức độ ổn định cao là điểm hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo ông Kharinov, Việt Nam là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nơi luật pháp nghiêm minh, không có vi phạm lớn nào mà không bị xử lý. Hệ thống ngân hàng cũng được đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước. Ngày nay, Việt Nam có các thể chế kinh tế vĩ mô và vi mô, có nhiều chuyên gia có kinh nghiệm từng được đào tạo tại Liên Xô.
Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam trở thành một công xưởng không chỉ của châu Á, mà còn thu hút các doanh nghiệp đến từ Mỹ. Tập đoàn Apple cũng đã xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
Ông Kharinov ví von rằng qua sự hiện diện của các thương hiệu lớn, có thể nói rằng cả thế giới đang có mặt tại Việt Nam.
Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhờ tính ổn định. Ảnh minh họa.
Lực lượng lao động Việt Nam chủ yếu vẫn có trình độ phổ thông, tuy nhiên, các tập đoàn lớn lại coi đây là lợi thế khi họ có thể đào tạo người lao động ngay tại nhà máy, cung cấp một chu trình khép kín từ làm việc, sinh hoạt, ăn ngủ.
Việt Nam vẫn đang phải đấu tranh xây dựng thương hiệu cho mình, do tình trạng xuất khẩu nguyên liệu cao nhưng độ nhận diện hàng Việt Nam vẫn còn thấp.
Ông Kharinov lấy ví dụ về mặt hàng cà phê, khi Việt Nam vốn là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ hai trên thế giới, song người tiêu dùng tại nhiều nước, trong đó có Nga, đều không ngờ thức uống họ yêu thích hằng ngày có xuất xứ từ Việt Nam.
Ông Kharinov cũng đánh giá chế độ khen thưởng đang được áp dụng ở Việt Nam giúp đem lại hiệu quả.
Theo ông Kharinov, các công ty đầu tư vào Việt Nam đều phải định hướng theo những hệ thống, nền tảng và trật tự đang tồn tại ở Việt Nam. Dù chủ công ty là người nước ngoài, song giám đốc thường là người Việt Nam để có thể phát triển hệ thống thưởng lao động, do đó đạt được hiệu quả cao.
Giải thích cho sự hiện diện mờ nhạt của doanh nghiệp Nga tại một thị trường thân thiện phát triển mạnh như vậy, đại diện thương mại Kharinov cho rằng ngoài những lý do khách quan liên quan đến các biện pháp trừng phạt, doanh nghiệp Nga hiện nay chưa học được cách chiếm lĩnh các thị trường nước ngoài.
Kể cả khi một trong những người chủ của khu công nghiệp tự do tại Hải Phòng là người Nga (chủ cảng biển Azov Andrian Sinebok) thì vẫn có rất ít công ty Nga đầu tư khu này và bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu hàng hóa của họ tới các nước khác trong khu vực, vì Việt Nam hiện đang có 17 thỏa thuận thương mại tự do với các nước châu Âu, Mỹ và các nước ASEAN.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!