Hiện các bể chứa dầu đặt ngầm dưới lòng đất của các trạm bơm xăng tại Việt Nam hầu hết là loại bể có vỏ ngoài một lớp. Điều này gây ra mối lo ngại về các nguy cơ như cháy nổ hoặc ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước, xuất phát từ sự rò rỉ, hư hại của bể chứa.
Bể chứa 2 lớp bao gồm lớp vỏ bên trong bằng thép và lớp vỏ bên ngoài làm bằng nhựa cường lực FRP. Bể còn được lắp đặt thiết bị cảm ứng để báo động khi hiện tượng rò rỉ xảy ra. Bể chứa 2 lớp này được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản từ năm 1993.
Ông Ninh Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần xây lắp 1 Petrolimex cho biết: “Công nghệ cũ của Việt Nam là gắn liền lớp thép với vỏ bọc bên ngoài, nên hầu như không phát hiện được rò rỉ, khi nào có sự hao hụt xăng dầu thì mới tìm nguyên nhân và lúc đó mới khắc phục”.
Về giá thành, ông Masuda Chikahiro, Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết: “Dĩ nhiên giá thành của bể 2 lớp sẽ cao hơn bể 1 lớp, tuy nhiên khi sử dụng bể 2 lớp này thì rất an toàn, không xảy ra các sự cố. Hơn nữa, vì chúng ta sử dụng lâu dài, nên nếu chỉ cần chôn xuống 1 lần mà sử dụng được lâu dài thì xét về mặt kinh tế sử dụng bể chứa 2 lớp vẫn tốt hơn”.
Ngoài kỹ thuật sản xuất, phía Nhật Bản còn hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực để quản lý, duy trì bể chứa. Theo chia sẻ của ông Yoshihisa Tamada, Giám đốc công ty cổ phần công nghiệp Tamada, Nhật Bản: “Hiện nay, tại Việt Nam, không có một số nguyên vật liệu tương đương như ở Nhật Bản, nên chúng tôi vẫn phải sử dụng một số nguyên vật liệu mang từ Nhật sang. Tuy nhiên trong tương lai gần sẽ có thể chuyển sang sử dụng toàn bộ nguyên vật liệu của Việt Nam”.