Vinalines sẽ thoái vốn khỏi 37 DN ngoài ngành nghề chính

Mạnh Hùng-Thứ hai, ngày 29/04/2013 11:00 GMT+7

Ảnh: VnExpress

 Vinalines kỳ vọng, giải pháp tái cơ cấu mạnh mẽ này một mặt sẽ giúp Tổng công ty (TCT) tránh khỏi tình trạng đầu tư dàn trải, mặt khác sẽ có thêm một nguồn lực không nhỏ cho việc đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề chính của TCT hiện nay.

Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) đang lên kế hoạch từ nay đến năm 2015 sẽ thoái vốn ra khỏi 37 doanh nghiệp (DN) thành viên. Đây là những DN có lĩnh vực kinh doanh nằm ngoài ngành nghề chính của Tổng công ty (TCT) hoặc hoạt động kinh doanh thời gian qua không mấy hiệu quả. Vinalines kỳ vọng, giải pháp tái cơ cấu mạnh mẽ này một mặt sẽ giúp TCT tránh khỏi tình trạng đầu tư dàn trải, mặt khác sẽ có thêm một nguồn lực không nhỏ cho việc đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề chính của TCT hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt danh sách 37 công ty con và công ty liên kết mà Vinalines sẽ thoái vốn trong thời gian tới. Trong số này không chỉ có các DN ngoài ngành, DN kinh doanh không hiệu quả mà còn có cả các DN có ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực hoạt động vận tải biển, nhưng tỷ lệ vốn nắm giữ của tập đoàn thấp, nằm dưới 20% vốn điều lệ.

Vào năm 2000, khi DN dịch vụ này tiến hành cổ phần hoá, Tổng công ty Hàng hải khi đó đã nắm giữ tới 30% vốn. Điều này giúp DN được ưu tiên khi cung cấp dịch vụ cho các đơn vị thành viên của TCT, qua đó đảm bảo việc làm và thu nhập cho trên 1.200 lao động dôi dư từ các cảng chuyển qua. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, DN đã mở rộng kinh doanh sang một số ngành nghề khác ngoài dịch vụ hàng hải. Kết quả đạt được là vốn chủ sở hữu đã tăng gấp gần 10 lần, khiến tỷ lệ vốn góp của TCT mẹ giờ giảm xuống còn dưới 10%. Và chính sự trưởng thành này cũng đã giúp DN không thấy lo ngại khi TCT mẹ có kế hoạch thoái vốn khỏi DN.

Ông Hà Văn Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại dịch vụ tổng hợp cảng Hải Phòng cho biết: “Trong khi nguồn vốn còn để rải rác ở hàng chục DN ngoài ngành thì những đơn vị có ngành nghề kinh doanh chính của Vinalines lại phải chật vật xoay sở vì thiếu vốn đầu tư. Chẳng hạn, DN dịch vụ hậu cần cảng VOSA đã phải đề nghị đối tác nước ngoài ứng trước tiền phí và vay thêm của họ một phần vốn để đầu tư hệ thống kho bãi. Tuy đã linh hoạt như vậy nhưng cũng mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu đầu tư. Chính vì vậy, chủ trương thoái vốn, tập chung đầu tư vào ngành nghề chính của Vinalines đã được các DN kinh doanh chính của ngành hàng hải kỳ vọng rất nhiều”.

Cho đến nay, tỷ lệ góp vốn của Vinalines tại 37 DN sẽ thoái vốn chiếm từ 5 đến 50% vốn điều lệ. Theo tính toán, nếu làm triệt để và hiệu quả thì việc thoái vốn sẽ mang về cho Vinalines từ 300 đến 500 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được TCT Hàng Hải ưu tiên đầu tư lại vào 3 ngành nghề chính là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Hiện, TCT Hàng Hải đang rà soát và chọn thời điểm thoái vốn thích hợp cho từng doanh nghiệp nhằm đảm bảo hiệu quả thu hồi vốn. Đặc biệt, việc thoái vốn sẽ được tiến hành đối với cả những DN thuộc các lĩnh vực được xem là rất hấp dẫn trong thời gian qua như tài chính, ngân hàng, bất động sản và chứng khoán…

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước