Theo Quyết định của Tổng cục Thuế, có 138 người nộp thuế tiêu biểu được tuyên dương tại Hội nghị hôm nay. Theo đó, có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với số nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2020-2022 trên 56.000 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trên 6.000 tỷ đồng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam trên 22.000 tỷ đồng, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa trên 374 tỷ đồng, Công ty TNHH Shopee trên 930 tỷ đồng, Công ty TNHH GRAB trên 1.690 tỷ đồng, Công ty cổ phần VINPEARL trên 1.000 tỷ đồng…
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành nhấn mạnh ngành thuế xác định nguyên tắc cơ bản lấy người nộp thuế làm trung tâm, tức là chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ. Đây là quá trình chuyển đổi đòi hỏi ý thức của mỗi cán bộ, công chức ngành thuế phải kịp thời phục vụ hiệu quả, được sự đánh giá cao của người nộp thuế.
Bên cạnh đó, hướng tới mục tiêu cải cách hiện đại hóa thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thân thiện, hiệu quả, hiện đại, hướng tới chuẩn mực thuế quốc tế, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý cũng như hiệu quả phục vụ của cơ quan thuế.
Đồng thời, xây dựng các chương trình cùng với người nộp thuế nâng cao tính tự nguyện tuân thủ qua đó giảm chi phí quản lý hành chính và người nộp thuế giảm được sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan thuế.
"Ngành thuế tiếp tục đẩy mạnh áp dụng biện pháp quản lý thuế hiện đại để đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật cũng như tạo sự bình đẳng trong việc chấp hành pháp luật về thuế", ông Thành cho biết.
Thời gian qua, bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài, thị trường trong nước và xuất khẩu đều bị thu hẹp, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng… khiến doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam đã phải đứng trước những thách thức chưa từng có.
Hàng loạt chính sách đã được ban hành để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó đáng chú ý là các giải pháp chính sách về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí…
Ước tính tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129.000 tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145.000 tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233.000 tỷ đồng.
Như vậy chỉ trong 3 năm từ 2020 đến 2022, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp là hơn 507.000 tỷ đồng. Trong đó số tiền thuế được gia hạn là trên 352.000 tỷ đồng, và số tiền thuế được miễn, giảm là khoảng 155.000 tỷ đồng.
Mới đây nhất, năm 2023, Bộ Tài chính đã tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 196.000 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 là khoảng 3.500 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!