Sáng nay, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là điểm sáng, cổ phiếu đã tăng mạnh thì có phần trùng lại, nhưng cũng không thiếu các mã chưa tăng lại bứt lên. Có thể gọi tên sáng nay đến các đại diện như HDB, TPB tăng trên 2% hay STB cũng duy trì sức tăng là hỗ trợ lớn khi ACB, BID, TCB, VPB điều chỉnh nhẹ.
Sắc xanh sáng nay có thêm sự đóng góp từ nhóm cổ phiếu thực phẩm với các cổ phiếu VNM và MSN đều tăng trên dưới 1%. Tập đoàn tài chính J.P Morgan vừa công bố báo cáo phân tích triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, báo cáo tin rằng động lực thuận lợi trong ngắn hạn đang ủng hộ cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng thiết yếu với dòng tiền tiềm năng từ kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán. Đồng USD thấp hơn giúp giảm chi phí đầu vào và tăng trưởng doanh thu ổn định.
Xét theo nhóm ngành, nhóm cổ phiếu năng lượng sáng nay gây chú ý khi có lúc tăng 2,18%, mạnh nhất thị trường với động lực từ BSR tăng 3,33%.
Cổ phiếu ngành vận tải đường sắt gần đây cũng có những tín hiệu giá đáng kể, có lẽ với kỳ vọng việc Việt Nam sắp triển khai phát triển xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam, hai mã HRT và SRT đã có vài phiên tăng giá khá ấn tượng nhưng nay lại đang cũng điều chỉnh tương đối.
Sáng nay, khối ngoại đang mua ròng hơn 523 tỷ đồng trên HOSE, lực mua trải rộng trên nhiều cổ phiếu như VNM, HDB, VCB và STB. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng hơn 3,32 điểm lên 1.290,80 điểm. Giao dịch 8.692 tỷ đồng. HNX-INDEX giảm nhẹ về 235,53 điểm. Giao dịch 442,1 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/9, VN-Index tăng 4,01 điểm
Bước sang phiên chiều, thị trường đầy hứng khởi và có những nhịp kéo tăng đầy dứt khoát tiến sát mốc 1.300 điểm trước khi thu hẹp về cuối phiên.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/9, VN-Index tăng 4,01 điểm, tương đương 0,31% lên 1.291,49 điểm. Toàn sàn có 209 mã tăng 177 mã giảm, 87 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,08 điểm lên 235,92 điểm. Toàn sàn có 79 mã tăng, 91 mã giảm và 61 mã đứng giá. UPCoM-Index giữ nguyên ở mức 93,5 điểm.
Nhóm ngân hàng là động lực của thị trường, nổi bật là các mã HDB, TPB, CTG, TCB, MSB, VPB nằm trong top 10 tác động tích cực và đóng góp tổng cộng gần 3 điểm. Trong đó, TPB là điểm sáng khi tăng kịch trần lên 16.650 đồng/cổ phiếu và dư mua hàng triệu đơn vị. Đây cũng là vùng đỉnh trong hơn 2 năm của TPB, kể từ tháng 6/2022. Thanh khoản cũng cao kỷ lục khi có hơn 60 triệu cổ phiếu được sang tay.
Với diễn biến tích cực trong những ngày qua, hiện nhiều cổ phiếu ngân hàng đã vượt đỉnh cao nhất trong năm qua. Như mã TPB vượt đỉnh cao nhất tháng 6/2022; MSB vượt đỉnh 6 tháng; HDB lập đỉnh lịch sử ở vùng 28.000 đồng/cổ phiếu; LPB trở lại vùng đỉnh lịch sử quanh 32.000 đồng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng thương mại nhà nước như VCB, BID, CTG cũng diễn biến tích cực…
Nhiều nhà đầu tư cho biết bắt đầu mua vào cổ phiếu ngân hàng với kỳ vọng đón sóng kết quả kinh doanh quý III/2024 và giai đoạn từ nay tới cuối năm 2024.
Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số, Công ty chứng khoán VPBank (VPBankS), nhận định lợi nhuận kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp niêm yết sẽ phân hóa, ngành bất động sản vẫn khó khăn, song ngân hàng sẽ là động lực tăng trưởng của thị trường.
"Lãi suất đi xuống giúp ngân hàng nới rộng biên lãi ròng (NIM). Theo đó, nhóm ngân hàng vẫn là nhóm chiến lược giúp nhà đầu tư kiếm lời từ giờ đến cuối năm, định giá P/B của nhóm ngân hàng hiện nay đang rất rẻ" - chuyên gia này phân tích.
Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên hôm nay ở mức 24.048 tỷ đồng, giảm 5% so với hôm trước, trong đó, giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE đạt 21.804 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 11.869 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng với giá trị 960 tỷ đồng phiên hôm nay, trong đó khối này giải ngân 2.567 tỷ đồng và bán ra 1.606 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!