Trong chiến đấu, người chiến sĩ xả thân giữa bom đạn khốc liệt để bảo vệ Tổ quốc. Có người nằm lại mãi mãi ở lứa tuổi thanh xuân, còn những người trở về, lại cố gắng đóng góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc xây dựng đất nước. Nhiều cựu chiến binh, thân thể đã không còn lành lặn, nhưng với quyết tâm "tàn nhưng không phế", họ luôn tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, trong nhiều trường hợp, nhờ có nguồn vốn ưu đãi chính sách mà nhiều gia đình thương bệnh binh đã trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi, tiêu biểu của địa phương. Điều này là minh chứng cho thấy, sự quan tâm thiết thực của Đảng và Nhà nước đến nhóm người yếu thế, trong đó có các cựu chiến binh từ khắp trong Nam, ngoài Bắc.
Là thương binh mất đến 81% sức lao động nên ông Nguyễn Văn Viếng ở Vị Thủy, Hậu Giang gặp nhiều trở ngại trong sản xuất, sinh hoạt. Năm 2018, ông vay 50 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội để canh tác và mua cây giống. Nay cây gần đủ lớn để bán, số nợ cũng sắp trả xong, tương lai khấm khá đã trong tầm tay.
Ông Nguyễn Văn Viếng tâm sự: "Tôi là thương binh đặc biệt, hạng ¼, tàn chứ chưa phế. Tôi còn lao động sản xuất được, còn kiếm nguồn kinh tế để lo gia đình và trả nợ được nên tôi mới vay của ngân hàng chính sách".
Phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, sau khi rời quân ngũ, dù trên mình mang nhiều thương tật, nhưng cựu chiến binh Đinh Hữu Ước luôn nung nấu quyết tâm và quyết chí làm giàu. Những đồng vốn vay ưu đãi ban đầu đã trở thành bệ đỡ để ông từng bước vươn lên phát triển kinh tế. Trang trại hàu giống của ông có giá trị lên tới cả chục tỷ đồng.
Ông Đinh Hữu Ước tâm sự: "Nguồn vốn chính sách thực sự hữu ích đối với gia đình tôi. Tôi mong rằng, sắp tới Nhà nước sẽ còn tăng mức cho vay đối với các gia đình chính sách và đúng, trúng các đối tượng để họ được vay vốn nhiều hơn để phát triển kinh tế".
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nói: "Chúng tôi tạo mọi điều kiện để nâng cao đời sống của đối tượng chính sách, cho nên, với tinh thần như thế, Tỉnh ủy, Ủy ban, Hội đồng nhân dân cũng có ưu tiên nguồn vốn ủy thác qua ngân hàng chính sách để hỗ trợ cho những hộ này được vay khoản tiền từ ngân sách ủy thác qua để họ có nguồn vốn, có kinh phí phát triển sản xuất, kinh doanh".
Hiện nguồn vốn ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác qua Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã giúp 1,1 triệu cựu chiến binh trên cả nước được vay vốn, với tổng dư nợ lên tới 45,5 nghìn tỷ đồng. Qua đó đã giúp ích cho nhiều hộ gia đình cựu chiến binh thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu từ chính nghị lực bản thân và mảnh đất quê hương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!