Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 7, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng qua đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tiếp tục triển khai mở rộng nhà máy để kịp đón thêm nhiều đơn hàng sản xuất.
Với doanh thu 7 tháng đầu năm nay đạt khoảng 300 triệu USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp DKT Vina Hàn Quốc quyết định tiếp tục rót thêm vốn đầu tư thêm nhà xưởng sản xuất rộng 7.000 m2 với nhiều máy móc công nghệ cao. Từ đó làm gia tăng vốn thực hiện của dự án, tức là số tiền thực tế triển khai từ vốn đăng ký ban đầu.
Ông Choi Won Kwon - Giám đốc Tài chính, Công ty TNHH DKT Vina cho biết: "Chúng tôi đầu tư vào Vĩnh Phúc vì có cơ sở hạ tầng tốt và nguồn nhân lực phong phú".
Dự báo vốn FDI giải ngân thời gian tới sẽ cao hơn
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, con số 12,55 tỷ USD là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 7 tháng của 5 năm. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã chiếm 79,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; theo sau là hoạt động kinh doanh bất động sản và sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí.
Nhiều tổ chức quốc tế dự báo, với động lực này, hứa hẹn vốn FDI giải ngân thời gian tới sẽ cao hơn.
Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) nhận định: "Đối với một số nhà đầu tư Hàn Quốc, trong đó những nhà đầu tư lớn về lĩnh vực năng lượng chẳng hạn, kim ngạch đầu tư khá lớn, mỗi dự án đều là hàng tỷ USD. Tổng số kim ngạch đầu tư Hàn Quốc lên tới gần 90 tỷ USD và chúng tôi kỳ vọng một số dự án đang triển khai được cấp giấy phép chắc chắn trong thời gian không xa thì tổng số kim ngạch đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ lên tới hơn 100 tỷ USD".
Ông Takeo Nakajama - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội chia sẻ: "Theo khảo sát của chúng tôi, 70% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam cho biết đang có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất của mình với những mô hình, hoạt động kinh doanh mới".
Môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng được cộng đồng doanh nghiệp FDI đánh giá cao, cơ sở hạ tầng với nhiều dự án lớn, động lực lan tỏa đang được triển khai đầu tư hoàn thiện là điều kiện để đón sóng đầu tư FDI thời gian tới. Đặc biệt, hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!