Vụ "bốc hơi" tiền tỷ tại Ngân hàng MSB: Khi nào khách hàng được nhận lại tiền?

Thuỳ An-Thứ tư, ngày 03/04/2024 17:54 GMT+7

VTV.vn - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh nguyên tắc là quyền lợi chính đáng của khách hàng thì luôn được bảo vệ.

Chiều 3/4, tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, phóng viên Thời báo VTV đã đặt câu hỏi liên quan đến vụ việc khách hàng mất tiền tại Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB).

"Theo Công an Hà Nội, bà Bùi Thị Hoài Anh, Giám đốc chi nhánh Thanh Xuân - Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB), bị bắt với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 338 tỷ đồng của 8 khách hàng. Xin hỏi nếu khách hàng không có bất cứ lỗi nào trong giao dịch để nhân viên của MSB lợi dụng tiến hành lừa đảo thì khi nào các khách hàng được hoàn lại số tiền gửi tiết kiệm? Ngân hàng MSB hay cá nhân bà Hoài Anh sẽ phải bồi thường thiệt hại cho khách gửi tiền bị mất ra sao?’, phóng viên đặt câu hỏi

Cùng theo phóng viên, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc nhân viên ngân hàng lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền. Phải chăng đang có lỗ hổng trong quy trình nghiệp vụ của ngân hàng? Xin Ngân hàng Nhà nước cho biết giải pháp để bảo vệ người gửi tiền bởi bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân như các khách hàng trong vụ việc tại MSB vừa qua?

Vụ bốc hơi tiền tỷ tại Ngân hàng MSB: Khi nào khách hàng được nhận lại tiền? - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Trả lời vấn đề, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết thời gian qua có diễn ra việc tiền trong tài khoản bị mất bởi những vi phạm do cá nhân, tập thể, do ngân hàng. Song ông Tú khẳng định nếu nói có tính chất lỗ hổng mang tính chất hệ thống thì không, mà nó diễn ra tại một số ngân hàng, một số đơn vị hoặc các phòng giao dịch. Cũng có thể diễn ra do cơ chế, cách thức quản lý của những đơn vị đó. Hoặc do những vi phạm tiêu cực của cán bộ ngân hàng.

"Cũng có thể do sự chủ quan, thậm chí có những trường hợp thông đồng cùng với cán bộ ngân hàng. Thậm chí có những trường hợp không chỉ lừa nhau mà lừa cả ngân hàng", ông Tú nhấn mạnh.

Phó Thống đốc cho biết mỗi vụ việc đã đều được khắc phục và được Ngân hàng Nhà nước rút kinh nghiệm chung, đồng thời có những chỉ đạo khắc phục kịp thời. Ở góc độ quy chế, cơ chế, quy định, Ngân hàng Nhà nước luôn rà soát một cách thường xuyên.

"Từ lâu tất cả các quy định liên quan đến việc mở tài khoản, thanh toán, chuyển tiền, gửi tiết kiệm của người dân của doanh nghiệp đã được hệ thống bằng các văn bản quy phạm rất đầy đủ", ông Tú khẳng định.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng xác định đầy đủ rõ ràng quy định trách nhiệm các ngân hàng thương mại trong vấn đề cung ứng những dịch vụ liên quan đến việc mở tại khoản và tiền gửi tiết kiệm của người dân. Cũng như quy định cụ thể trách nhiệm với người gửi tiền, người mở tài khoản.

Năm 2014, với Thông tư 23, Ngân hàng Nhà nước đã quy định rất rõ điều này. Sau đó cũng thường xuyên cập nhật, bổ sung để phù hợp với từng điều kiện nhất là trong bối cảnh áp dụng nhiều công nghệ hiện nay.

Việc triển khai các quy định đó của các ngân hàng thương mại bằng cách quy định nội bộ hoặc quy định riêng trong quản trị. Ông Tú cho rằng, việc này thuộc trách nhiệm của các ngân hàng thương mại.

"Qua vụ việc MSB, các ngân hàng thương mại cần xem xét việc đã thực hiện đúng các quy định hay chưa?", ông Tú nói.

Về vụ việc của bà Bùi Thị Hoài Anh tại Ngân hàng MSB, ông Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đã nhận được báo cáo của ngân hàng này.

"Vụ việc này không phải do khách hàng phát hiện ra. Trên cơ sở kiểm soát, chính Ngân hàng MSB đã phát hiện ra những rủi ro này và chủ động gửi hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra từ tháng 10/2023", ông Tú thông tin.

Công tác điều tra đang được tiến hành khẩn trương để xác định trách nhiệm cũng như sai sót thuộc trách nhiệm của ai, của Ngân hàng MSB hay cá nhân bà Hoài Anh hay những người khác liên quan? Theo Phó Thống đốc, trách nhiệm đúng sai, trách nhiệm ở đâu chắc phải chờ kết quả điều tra của cơ quan công an.

Tuy nhiên một nguyên tắc là quyền lợi chính đáng của khách hàng thì luôn được bảo vệ. Nếu ngân hàng hay cá nhân bà Hoài Anh có những sai phạm thì phải có trách nhiệm với khoản tiền gửi của khách hàng.

Ngoài ra theo ông Tú, khách hàng gửi tiền cũng thường xuyên nên kiểm tra tài khoản để đảm bảo quyền lợi của mình.

Tại họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý I của UBND TP Hà Nội chiều 28/3, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, liên quan vụ khách hàng bỗng dưng mất 58 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết ngày 10/10/2023, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận tin báo của Ngân hàng MSB về việc phát hiện nhân viên ngân hàng này có dấu hiệu Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tin báo trên tố cáo bà Bùi Thị Hoài Anh (SN 1984; trú tại chung cư 390 Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội), Giám đốc Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng với số tiền 165 tỷ đồng.

Căn cứ kết quả điều tra ngày 18/10/2023, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh. Bước đầu, đơn vị chức năng xác định bà Anh đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại với số tiền 338 tỷ đồng.

"Công an đã áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản để trả cho bị hại. Bước đầu xác định không có đồng phạm và công an đang khai thác, mở rộng tiếp. Đến nay, chưa có bị hại nào đến trình báo ngoài 8 bị hại trên đến trình báo" - ông Tùng cho biết.

Lãnh đạo Công an Hà Nội cũng kêu gọi trường hợp bị hại nào liên quan vụ việc trên có thể liên hệ cơ quan chức năng để được tiếp nhận, giải quyết đúng theo quy định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước