Đây được coi là vụ sáp nhập lớn nhất của ngành ô tô trong những năm gần đây. Sau khi thỏa thuận chính thức được công bố, giá cổ phiếu của cả hai tập đoàn đã tăng nhẹ trên các sàn chứng khoán châu Âu. Tuy nhiên, áp lực trong việc hoàn tất thương vụ này được xem là vẫn không nhỏ. Một lý do là những tham vọng quá lớn của cả hai phía.
Ông Juergen Pieper, chuyên gia phân tích, Ngân hàng Metzler (Đức), cho biết: "Giới lãnh đạo PSA đang muốn nâng tầm hoạt động, đưa họ vào top những tên tuổi hàng đầu thế giới. Trong khi đó, Fiat Chrysler lại cần một đối tác bởi họ đang gặp khó khăn, bị tụt hậu công nghệ và sản phẩm so với các đối thủ".
Ban lãnh đạo của hai tập đoàn cam kết, thương vụ sẽ giúp cắt giảm đến 3,7 tỷ Euro chi phí mỗi năm. Tuy nhiên, thách thức lớn hơn là phải đáp ứng được mục tiêu này trong khi giảm thiểu tổn thất về việc làm, một điều mà giới chức và công đoàn nhiều nước quan tâm
Ông Juergen Pieper nói: "Họ sẽ phải có những biện pháp cắt giảm chi phí mạnh tay, có thể phải đóng cửa các nhà máy lạc hậu, một lý do mà chính phủ các nước như Pháp không ủng hộ. Về lâu dài, mọi việc có thể suôn sẻ, nhưng trước mắt sẽ cần rất nhiều nỗ lực".
Dù sao, tiềm năng tạo ra tập đoàn ô tô lớn thứ 4 thế giới với nhiều thương hiệu lớn như Chrysler, Peugeot hay Opel cùng nguồn lực để thúc đẩy các công nghệ hiện đại như xe điện vẫn khiến vụ M&A đình đám này được thị trường theo dõi sát sao trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!