Vực dậy vị thế của ngành hàng thanh long

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 10/04/2024 12:01 GMT+7

VTV.vn - Ba năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu thanh long liên tiếp giảm, chỉ còn trên 600 triệu USD.

Xuất khẩu thanh long cạnh tranh gay gắt

Thanh long là một trong 14 loại trái cây chủ lực của Việt Nam. Trước năm 2020, thanh long được mệnh danh là "nữ hoàng" của các loại trái cây. Đỉnh cao của mặt hàng này đạt kim ngạch xuất khẩu gần 1,3 tỷ USD vào năm 2018. Và trong thời kỳ hoàng kim, thanh long đã có mặt ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thế nhưng, ba năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu thanh long liên tiếp giảm, chỉ còn trên 600 triệu USD.

Thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, khi nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico đã trồng thành công loại quả này. Năm 2021, Trung Quốc công bố đạt sản lượng 1,6 triệu tấn thanh long, cao hơn Việt Nam và trở thành nước có diện tích trồng thanh long lớn nhất thế giới.

Và đây là một trong những nguyên nhân khiến cho xuất khẩu Thanh Long của Việt Nam giảm mạnh, bởi 80% thanh long Việt Nam được xuất khẩu vào Trung Quốc.

Gặp không ít khó khăn, thậm chí là đổ bỏ, "giải cứu" vì không thể xuất khẩu nhưng thanh long vẫn là loại trái cây mang lại cuộc sống sung túc cho bà con nông dân, nếu canh tác đạt chuẩn chất lượng và đạt năng suất cao.

Vực dậy vị thế của ngành hàng thanh long - Ảnh 1.

Trong thời kỳ hoàng kim, thanh long đã có mặt ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ

Vực dậy vị thế của ngành hàng thanh long

Một tín hiệu lạc quan đầu năm nay, khi xuất khẩu thanh long đã tăng hơn so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng mới, giá bán cao, có lãi và đã mở rộng được thị trường. Để tránh tình trạng cung vượt cầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chủ trương không gia tăng diện tích trồng thanh long và tập trung sản xuất tại các vùng sinh thái lợi thế. Đó là ba tỉnh: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang.

Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như đẩy mạnh chuỗi liên kết và nâng cao chất lượng cho trái thanh long.

Từ khi tham gia vào Hợp tác xã (HTX) Nông sản VCCU Bình Thuận, anh Nguyễn Xuân Vũ - xã Chí Công, huyện Tuy Phong, Bình Thuận đã chuyển hẳn sang trồng thanh long VietGAP. Được hỗ trợ 50% kinh phí chuyển đổi phương thức sản xuất thanh long xanh đã giúp những nhà nông như anh tiết kiệm đáng kể chi phí đầu vào.

Anh Vũ chia sẻ: "Ngày xưa, mình cần hai người trên 1ha để chăm sóc luân phiên nhưng bây giờ chỉ cần một công là quản lý hết mọi thứ. Sản xuất theo hướng này thì cây sinh trưởng mạnh hơn nên giảm mầm bệnh, công cũng giảm đi phần nào. Về năng suất tăng 10%".

Sản lượng thanh long thu hoạch những năm qua cũng được duy trì ổn định từ 40-60 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, anh Vũ thu lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng trên diện tích 2 ha.

HTX Nông sản VCCU Bình Thuận đang liên kết sản xuất - tiêu thụ với 47 hộ dân canh tác thanh long trên diện tích gần 130 ha. Hiện, HTX này đang xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu, mở ra nhiều cơ hội cho các xã viên.

Bà Lê Thị Nguyên Hà - Giám đốc HTX Nông sản VCCU, Bình Thuận cho biết: "Khi sản xuất theo chuỗi thì giá cả ổn định, giá trị sản phẩm nông nghiệp tăng lên, nâng hiệu quả hơn 30% so với trước".

Ông Nguyễn Văn Hòa - Thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận nhận định: "Vào HTX có lợi hơn, mình làm theo công ty đặt hàng đưa ra quy định thì giá khác hơn giá trôi nổi. Nhờ HTX là trung gian để tiếp tay giữa nông dân và doanh nghiệp".

Trung bình hàng năm, thủ phủ thanh long Bình Thuận cho sản lượng hơn 570.000 tấn. Trong đó, 15% tiêu thụ trong nước, khoảng 80% xuất khẩu. Bình Thuận đã xây dựng 12 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ thanh long với sản lượng trên 90.000 tấn/năm. Trong đó có hai chuỗi liên kết tiêu thụ gắn với chế biến.

Đẩy mạnh liên kết chuỗi thanh long gắn với chế biến

Bên cạnh việc xuất khẩu trái cây tươi, chế biến sâu được coi là giải pháp quan trọng, vừa giúp giảm được áp lực mùa vụ, vừa giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Những trái thanh long tươi sau khi thu hoạch từ vườn về sẽ được phân loại. Những quả không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sẽ được các cơ sở dùng để chế biến.

Trung bình mỗi năm, HTX thanh long sạch Hòa Lệ liên kết thu mua, xuất khẩu chính ngạch trên 10.000 tấn thanh long tươi từ bà con nông dân. Ngoài ra, HTX này còn phát triển 15 sản phẩm thanh long chế biến. Trong đó có đến 13 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3-4 sao.

Bà Nguyễn Hoàng Thiên Hương - HTX Thanh long sạch Hòa Lệ, Bình Thuận nêu ý kiến: "Mình tận dụng hết nguồn nguyên liệu thu mua về từ vườn của bà con nông dân. Từ đó, trái thanh long Bình Thuận không bị bỏ đi phần người nông dân làm ra và xuất khẩu không được. Từ đó, đơn vị phải thu mua hết để về chế biến các sản phẩm, nâng cao giá trị cho trái thanh long Bình Thuận".

Đặc biệt, năm 2023, sức tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ thanh long của HTX Thanh long sạch Hòa Lệ tăng hơn 50% so với năm 2022.

Việc tận dụng triệt để các bộ phận từ quả thanh long đã tối ưu hóa giá trị cho nông sản của nhà nông. Hiện nay, sản phẩm chế biến chủ yếu tiêu thụ nội địa với năng lực chế biến hơn 180.000 tấn/năm, chiếm khoảng 26% tổng sản lượng.

Bà Lê Thị Nguyên Hà - Giám đốc Công ty Nước ép Phúc Hà, Bình Thuận cho biết: "Chế biến sâu sẽ rút ngắn tỷ lệ giữa hàng loại 1 và hàng loại 2, như vậy cộng bình quân nó sẽ nâng giá trị trái thanh long. Người hưởng lợi đầu tiên là mình nâng tầm nhận thức của người nông dân sản xuất. Vì nâng được giá trị sản phẩm họ chế biến, sản xuất ra thì mới thay đổi được tư duy theo phương thức sản xuất mới".

Diện tích thanh long của tỉnh Bình Thuận hiện đạt khoảng 25.000 ha. Ngành nông nghiệp tỉnh này chủ trương không tăng diện tích mà chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ - chế biến để nâng giá trị cho trái thanh long. Đây chính là hướng đi bền vững cho nhà nông Bình Thuận.

Thực tế trong thời gian vừa qua, khi tình hình xuất khẩu thanh long đang gặp nhiều thử thách, người dân Việt Nam đã nảy ra ý tưởng như chế biến sợi mì từ trái thanh long, hay làm bánh mì thanh long được người tiêu dùng trong nước ủng hộ. Đây cũng là một trong những cách làm sáng tạo để tăng giá trị cho trái thanh long, làm phong phú nền ẩm thực nước nhà.

Về giải pháp căn cơ hơn, trong giai đoạn 2025-2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các địa phương cần ổn định diện tích thanh long trong khoảng 60.000 đến 65.000 ha, duy trì sản lượng từ 1,3 triệu đến 1,5 triệu tấn. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm năng suất, nâng cao mẫu mã, chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước