Web môi giới “bắt chẹt” khách sạn châu Âu

Hồng Quang (PV Đài THVN thường trú tại châu Âu)-Thứ hai, ngày 15/08/2022 14:00 GMT+7

VTV.vn - Nhiều chuỗi khách sạn châu Âu không thể chịu đựng mãi cảnh phải chi tiền hoa hồng quá cao cho các nền tảng môi giới của Mỹ.

Du lịch châu Âu đang phục hồi mạnh mẽ, nhiều chỉ số đã quay về mức trước đại dịch lại đang làm gia tăng căng thẳng giữa các khách sạn và các nền tảng trực tuyến môi giới phòng nghỉ.

Mùa du lịch năm nay, các khách sạn châu Âu phải đối phó với chi phí đầu vào gia tăng, do lạm phát, thiếu hụt nhân lực, chất lượng quản trị… nhưng vẫn phải mất tới 1/5 doanh số cho các trang web của Mỹ chuyên môi giới khách hàng: Booking.com, Expedia, Airbnb…

Tờ Cinco Días cho biết: "Các khách sạn Tây Ban Nha đã cố tận dụng đại dịch để thoát khỏi vòng kìm kẹp của trang web Booking.com".

Công ty Mỹ môi giới đặt phòng khách sạn kiểm soát tới 71,2% thị trường khách sạn châu Âu. Có thể hiểu là cứ 10 phòng phòng khách sạn cho thuê được ở châu Âu, có tới 7 thông qua trang Booking của Mỹ. Nếu cộng cả trang web Expedia cũng của Mỹ, thì có tới 90% số lượng phòng khách sạn châu Âu bán được thông qua môi giới của 2 công ty Mỹ.

Web môi giới “bắt chẹt” khách sạn châu Âu - Ảnh 1.

Công ty Mỹ môi giới đặt phòng khách sạn kiểm soát tới 71,2% thị trường khách sạn châu Âu. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)

Dịch vụ của Booking.com rất thuận tiện cho người muốn tìm thuê phòng khách sạn, dễ dàng tìm kiếm so sánh giá cả nhiều khách sạn khác nhau, chỉ cần vào một trang web duy nhất, dùng ngôn ngữ hoặc thanh toán bằng tiền gì cũng được.

Nhật báo Neue Zürcher Zeitung của Thụy Sĩ công nhận các khách sạn cũng khỏi mất công sức tiếp thị. Vấn đề là khi đã thống lĩnh thị trường môi giới phòng khách sạn, các nền tảng trực tuyến bắt đầu lạm dụng vị thế gần như độc quyền để bắt chẹt chủ khách sạn. Theo bài báo, nhiều khách sạn đang phải lệ thuộc hoàn toàn vào Booking.com, không theo thì không có khách hàng, theo thì phải trả phí môi giới tối thiểu 13% giá phòng.

13% phí môi giới đã là cao, nhưng trên thực tế, hoa hồng có lúc lên đến 40% giá phòng, theo một bài trên tờ Diario de Ibiza của Tây Ban Nha, khi phải cộng thêm đủ thứ phí khác cho Booking.

Bài báo tiết lộ rằng: "Khách sạn xuất hiện trong những dòng tìm kiếm đầu tiên thực ra là vì khách sạn đó chịu trả hoa hồng cao hơn cho Booking". Ngoài ra, khách sạn phải chịu ràng buộc ngặt nghèo nếu cộng tác với nền tảng này, ví dụ như không được tự cho thuê phòng với giá thấp hơn giá đã thỏa thuận với Booking.

Chuyện một trang web môi giới của Mỹ bắt chẹt hàng chục ngàn doanh nghiệp châu Âu khiến không chỉ ngành du lịch, mà cả giới làm chính sách bức xúc.

Tờ Corriere della Sera ra tại Italy cho biết, một thượng nghị sĩ đã đưa đề xuất sửa đổi luật lệ, nhằm áp đặt mức trần tối đa 8% phí môi giới phòng khách sạn. Bài báo tính rằng, trong cả năm 2019, các khách sạn của nước này thu được 5 tỷ Euro tiền cho thuê phòng, đã phải trả cho phía Mỹ tới 1 tỷ Euro phí môi giới. Một phần rất lớn lợi nhuận của ngành du lịch châu Âu tiếp tục chảy về Mỹ theo cách đó, trong lúc các khách sạn châu Âu vẫn phải vật lộn với chi phí đầu vào ngày càng cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước