World Bank: Lạm phát tại Việt Nam vẫn được kiềm chế

Thuỳ An-Thứ sáu, ngày 11/03/2022 11:03 GMT+7

VTV.vn - Nhận định của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đưa ra bất chấp dự báo giá cả hàng hóa thế giới đã tăng mạnh và còn có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 2, World Bank tiếp tục đánh giá lạm phát tại Việt Nam vẫn được kiềm chế mặc dù giá nhiên liệu tăng. 

Theo World Bank, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,4% (so với cùng kỳ năm trước), mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Trong đó, giá xăng dầu tăng 5,8% so với tháng trước và 47,1% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục góp phần làm tăng chi phí giao thông, và do đó, làm tăng giá tiêu dùng. 

Ngược lại, giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định so với một năm trước nhờ chuỗi cung ứng trong nước được duy trì tốt. Lạm phát cơ bản, không bao gồm lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, chỉ tăng 0,7% (so với cùng kỳ năm trước), tương đương tỷ lệ ghi nhận trong 2 tháng trước đó, phản ánh nhu cầu trong nước phục hồi yếu.

Trước đó trong báo cáo tháng 1, World Bank cũng đã đánh giá lạm phát của Việt Nam trong tầm kiểm soát. 

World Bank: Lạm phát tại Việt Nam vẫn được kiềm chế - Ảnh 1.

World Bank tiếp tục duy trì nhận định làm phát tại Việt Nam vẫn đang được kiểm soát

Liên quan đến lạm phát, giữa tháng 2 vừa qua, ngân hàng HSBC đã nâng dự báo lạm phát bình quân của năm 2022 lên 3% so với mức dự báo trước đây là 2,7%. Theo ngân hàng này, lạm phát nhiên liệu vẫn tiếp tục gia tăng, đẩy số liệu tháng 1 lên 1,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên HSBC nhận định, lạm phát nhiều khả năng không phải mối lo lớn với Việt Nam trong năm 2022.

“Mức lạm phát dự báo 3% không cho thấy một rủi ro đáng kể cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vì vẫn còn thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4% của Chính phủ”, HSBC cho biết.

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố hồi cuối tháng 2 cho biết, CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2022 tăng 1,68% so với bình quân cùng kỳ năm 2021. Lạm phát cơ bản tháng 2 tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng năm nay tăng 0,67% so với cùng kỳ năm 2021.

Tiếp đà phục hồi

Báo cáo của World Bank cũng nhận định các hoạt động kinh tế tại Việt Nam tiếp tục đà phục hồi. Trong đó, tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng lên 8,5% (so với cùng kỳ năm trước) từ 2,8% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 1, cho thấy sự cải thiện chung trong hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo. 

Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 3,1% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 2, cao hơn tốc độ tăng trưởng trong tháng 1. 

Cân đối ngân sách nhà nước ghi nhận thặng dư 1,1 tỷ USD trong tháng 2 và 4,2 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2022. Thu ngân sách tháng 2 tăng 5,3% (so với cùng kỳ năm trước) trong khi chi ngân sách tăng 6,1% (so với cùng kỳ năm trước) nhờ cải thiện tình hình thực hiện chương trình đầu tư công. Tổng thu ngân sách của Chính phủ trong hai tháng đầu năm đã đạt 22,9% dự toán.

World Bank: Lạm phát tại Việt Nam vẫn được kiềm chế - Ảnh 2.

World Bank đánh giá cán cân thương mại hàng hóa đang có xu hướng xấu đi

Tuy nhiên trong báo cáo, World Bank đã đánh giá cán cân thương mại hàng hóa đang có xu hướng xấu đi. Trong tháng 2, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng lần lượt 15,5% và 22,3%. Do nhập khẩu tăng nhanh hơn nhiều so với xuất khẩu, cán cân thương mại xấu đi, chuyển từ thặng dư 1,4 tỷ USD trong tháng 1 sang thâm hụt 2,0 tỷ USD trong tháng 2. 

World Bank đánh giá căng thẳng Nga - Ukraine đã làm gia tăng tính bất định về sự phục hồi kinh tế toàn cầu, gây ra những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng áp lực lạm phát. World Bank khuyến nghị cơ quan chức năng nên khuyến khích các nhà xuất khẩu tìm kiếm thị trường mới và đổi mới sáng tạo sang những sản phẩm mới thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) và hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có để nâng cao khả năng chống chịu của xuất khẩu. 

“Giá cả hàng hóa thế giới đã tăng mạnh và còn có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn. Do đó, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá trong nước”, World Bank khuyến nghị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước