Xăng dầu “nóng rẫy”, làm sao để “nguội bớt”?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 20/02/2022 10:52 GMT+7

VTV.vn - Sau kỳ điều chỉnh giá cuối tuần trước, giá xăng dầu trong nước đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 8 năm qua.

Xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xăng dầu

Ngay sau khi liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giá, nhiều cửa hàng xăng dầu trong tuần này đã tự động mở cửa trở lại. Rõ ràng tình hình cung ứng xăng dầu có tốt hơn sau khi có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan.

Bộ Công Thương cũng đã rất kiên quyết, nhanh chóng thành lập đoàn kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu ở một số địa phương, bước đầu phát hiện bất thường tại một số doanh nghiệp.

Quan điểm của Bộ Công Thương là không nương tay với các vi phạm. Không chỉ quan tâm giải pháp ứng phó trước mắt, Bộ này đã đề xuất nhiều giải pháp căn cơ, linh hoạt để đảm bảo hiệu quả điều hành với một mặt hàng mang tính chiến lược nhưng rất nhạy cảm với các diễn biến địa chính trị trên thế giới.

Thừa nhận sự trục trặc của Nhà máy Nghi Sơn đã làm ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu, báo Giao thông dẫn lời Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương Trần Duy Đông dẫn chứng: Đến thời điểm này, nhà máy vận hành mới đạt 55% công suất, nên các cửa hàng vẫn có nơi thiếu. Nhưng 1 - 2 tuần nữa hàng về nhiều hơn, áp lực cho doanh nghiệp sẽ đỡ hơn.

Xăng dầu trở nên "nóng rẫy"- Vì sao?

Dù Bộ Công Thương đã trấn an về việc đảm bảo tổng nguồn cung trong thời gian tới nhưng báo chí trong tuần cũng đã có nhiều bài phân tích nguyên nhân vì sao khiến thị trường xăng dầu trở nên nóng.

Báo chí bình luận về tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ là do sự "đứt gãy" cung ứng từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đây được xem là xuất phát điểm cộng thêm mức giá bán lẻ chưa theo kịp những biến động mạnh của giáthế giới khiến thị trường xăng dầu trong nước rơi vào "vòng xoáy" khan hàng, tăng giá, doanh nghiệp đóng cửa vì không dễ gì bán hàng giá rẻ khi giá thế giới đang cao.

Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khác cũng được nhiều tờ báo đề cập đó là trách nhiệm trong điều hành giá xăng dầu. Tờ Tiền phong nhận định, người có trách nhiệm chưa lường hết tình huống bỏ qua thời điểm điều chỉnh giá vào đúng mùng 1 Tết (tức ngày 1/2) giữa bối cảnh xăng dầu thế giới đang tăng. Điều này cho thấy cơ quan quản lý thiếu độ nhạy với thị trường.

Xăng dầu “nóng rẫy”, làm sao để “nguội bớt”? - Ảnh 1.

Sau kỳ điều chỉnh giá cuối tuần trước, giá xăng dầu trong nước đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 8 năm qua. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Đồng quan điểm trên tờ Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho rằng, chính cách điều hành không bám sát giá thế giới, thiếu linh hoạt cũng là một lý do dẫn đến dấu hiệu găm hàng, hết hàng.

Thực tế, việc cơ quan quản lý không điều chỉnh giá xăng dầu khi đến thời điểm điều chỉnh giá trong dịp Tết là không sai. Bởi Nghị định 95 nêu rõ nếu kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, cơ quan quản lý được phép lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.

Tuy nhiên, nghị định cũng cho phép nhà điều hành xin ý kiến Chính phủ khi giá xăng dầu thế giới biến động lớn nhưng việc lùi thời gian điều hành vào thời điểm sau Tết đã dẫn đến giá xăng dầu trong nước không bám kịp với giá thế giới. Phương án điều hành như vậy quá cứng nhắc, thậm chí có thể nói thiếu nhạy bén, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng.

Tờ Thanh niên đặt câu hỏi: Chúng ta đã quyết tâm quản lý giá xăng dầu theo xu hướng giá thế giới, tại sao lại tự cho quyền điều hành nghỉ Tết kéo dài, bỏ mất 1 kỳ điều chỉnh giá như vậy? Cơ quan quản lý đã không lường trước được phản ứng của thị trường và quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, trong khi thực tế các hoạt động thương mại vẫn diễn ra xuyên Tết.

Tình trạng khan hiếm cục bộ, quan trọng nhất là nguồn cung thì không phải. Lý do là vì trong nước đã đảm bảo được 70% nguồn cung. Vậy trách nhiệm trong điều hành đang là vấn đề?

An ninh năng lượng đừng chỉ phụ thuộc vào Nghi Sơn

Xăng dầu “nóng rẫy”, làm sao để “nguội bớt”? - Ảnh 2.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc phụ thuộc vào nguồn cung xăng dầu từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh năng lượng. Ảnh minh họa.

Xăng dầu là mặt hàng đã liên thông với thế giới cả về nguồn cung và giá cả, nhưng được vận hành trong một nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân là "bất di bất dịch".

Hơn nữa, khi nguồn cung xăng dầu hiện đang phụ thuộc nhiều vào hai nhà máy lọc dầu là Nghi Sơn và Dung Quất (Bình Sơn), tức là Nhà nước đã "trao" quyền cho các nhà máy này để ưu tiên sử dụng, tiêu thụ xăng dầu tại thị trường nội địa, cũng cần đặt ra trách nhiệm lớn cho các nhà máy lọc hóa dầu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo tờ Tuổi trẻ, khi thừa xăng dầu Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đề xuất hạn chế nhập khẩu và khi thị trường có biến động mạnh về nguồn cung, giá cả thì nhà máy này lại kêu khó khăn về tài chính và giảm công suất, dừng hoạt động là điều không thể chấp nhận được.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc phụ thuộc vào nguồn cung từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh năng lượng, đồng thời đề nghị có chế tài trách nhiệm của nhà máy này, không thể giảm sản lượng với lý do khó khăn về tài chính mà bắt các doanh nghiệp, người dân phải chiều theo.

Doanh nghiệp lo mất đơn hàng vì xăng, dầu tăng giá Doanh nghiệp lo mất đơn hàng vì xăng, dầu tăng giá Giá xăng dầu có thể lại tăng mạnh vào ngày mai Giá xăng dầu có thể lại tăng mạnh vào ngày mai Chuẩn bị thanh tra 33 “ông lớn” xăng dầu Chuẩn bị thanh tra 33 “ông lớn” xăng dầu

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước