“Xanh hóa” sản xuất - Yêu cầu bắt buộc với ngành dệt may

VTV Digital-Thứ năm, ngày 08/12/2022 12:21 GMT+7

VTV.vn - Nếu như cách đây vài năm, cụm từ "xanh hoá" được nhắc đến như một xu hướng sản xuất mới của ngành dệt may thì nay đã trở thành một yêu cầu bắt buộc.

Trong 2 - 3 năm tới, nếu doanh nghiệp Việt Nam không đi theo hướng phát triển bền vững rất khó thâm nhập các thị trường lớn. Xu hướng tiêu dùng xanh, phát triển bền vững đòi hỏi doanh nghiệp phải chuyển đổi.

Tại châu Âu, Thoả thuận Xanh (Green Deal) đã đặt ra chiến lược mới nhằm phát triển ngành dệt may bền vững, với những yêu cầu như tỉ lệ nguyên liệu tái chế phải đạt 50%, kéo dài tuổi thọ sản phẩm, giảm phát thải CO2 ra môi trường. Những đòi hỏi ngày càng cao, yêu cầu các doanh nghiệp toàn cầu cũng phải thay đổi.

Ông Shota Miura - Giám đốc Tài chính Uniqlo Việt Nam cho hay: "Chúng tôi có trách nhiệm trong cả chuỗi giá trị. Ví dụ như sản phẩm nổi tiếng nhất là áo Polo, sản phẩm phải sử dụng chất liệu nhựa tái chế. Chúng tôi cũng giảm 99% lượng nước sử dụng để sản xuất ra một chiếc quần".

“Xanh hóa” sản xuất - Yêu cầu bắt buộc với ngành dệt may - Ảnh 1.

“Xanh hóa” sản xuất - Yêu cầu bắt buộc với ngành dệt may. Ảnh minh họa.

Theo ghi nhận của phóng viên VTV tại Công ty May Tinh Lợi, toàn bộ máy móc thiết bị, cũng như bóng điện của nhà máy này đều đang sử dụng năng lượng mặt trời, được lắp đặt trên nóc của nhà máy. Đây là một trong những giải pháp của doanh nghiệp nhằm thực hiện khuyến nghị và yêu cầu của nhà nhập khẩu, cũng như cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

"Một số khách hàng yêu cầu công ty phải sử dụng nguyên liệu tái chế, sử dụng nhà máy xanh, đáp ứng đủ các điều kiện đó thì mới được sản xuất sản phẩm của họ. Chúng tôi từ lúc bắt đầu xây dựng nhà máy đã phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí mà khách hàng đưa ra, sau đó khách hàng đến đánh giá", ông Đỗ Xuân Hưng - Giám đốc tài chính Công ty May Tinh Lợi cho hay.

Ngoài câu chuyện nhà máy xanh, một yếu tố nữa phải nói đến là nguyên liệu xanh. Rất nhiều nhà nhập khẩu yêu cầu sản phẩm dệt may Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, tái chế, tự phân huỷ sau 5 - 10 năm.

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) cho biết: "Những người sản xuất xanh tại thời điểm hiện nay đang có lợi nhuận thấp hơn so với sản xuất thông thường. Đây là những cái doanh nghiệp phải vượt qua với định hướng dài hạn và rõ ràng trong 3 - 4 năm tới, nếu chúng ta không có sự hy sinh nhất định về mục tiêu tài chính để thực hiện mục tiêu xanh thì chúng ta sẽ khó đáp ứng được yêu cầu và bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng".

Theo các doanh nghiệp, 2 thách thức lớn nhất khi sản xuất xanh là công nghệ và giá thành. Bởi tất cả những nguyên liệu đầu vào xanh và sạch đều có chi phí cao hơn. Song đây cũng là yêu cầu tất yếu và lợi thế cạnh tranh cho những doanh nghiệp đi trước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước