Xe bus nhanh BRT: Bi kịch từ sự nửa vời

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 04/04/2021 10:39 GMT+7

VTV.vn - Sau 4 năm đi vào hoạt động, hiệu quả của tuyến xe bus nhanh BRT tại Hà Nội vẫn còn rất nhiều tranh cãi.

BRT chỉ cao hơn năng lực vận chuyển của một làn ô tô trong đô thị

Tờ Kinh tế và Đô thị tuần qua đã cung cấp nhiều số liệu tổng kết rất đáng chú ý về xe bus nhanh BRT, trong một bài viết có tựa đề: "Xe bus BRT: Bi kịch từ sự nửa vời".

Năm 2020, cũng như các tuyến bus khác trong toàn mạng, sản lượng hành khách đi lại trên tuyến BRT sụt giảm 2,6%. Những đáng chú ý hơn là số liệu là vào lúc giờ cao điểm thì tuyến BRT chỉ đạt sản lượng vận tải khoảng 1.000 hành khách trên một làn trong 1 giờ. Như vậy, thực tế BRT chỉ cao hơn năng lực vận chuyển của một làn ô tô trong đô thị.

Mặc dù là có làn đường dành riêng cho xe bus nhanh nhưng luôn bị các phương tiện khác đi lấn vào và đặc biệt trong giờ cao điểm. Nhưng điều này cũng khá dễ hiểu, bởi cả con đường 3 làn nếu đang lúc giao thông ùn ứ mà phải để trống một làn cho xe bus thì tương đối lãng phí.

Nhìn ở góc độ khách quan, trên tờ Kinh tế và Đô thị, các chuyên gia cho rằng bản thân BRT là một loại hình vận tải công cộng ưu việt, hiện đại, văn minh. Nhưng để phát huy hết các ưu điểm đó cần được trang bị đầy đủ các điều kiện cơ bản. Xe bus BRT nếu muốn đúng nghĩa là "nhanh" phải có một làn đường riêng thực sự. Đó là điều Hà Nội chưa đảm bảo được trong mấy năm qua.

Xe bus nhanh BRT: Bi kịch từ sự nửa vời - Ảnh 1.

Vào lúc giờ cao điểm, tuyến BRT chỉ đạt sản lượng vận tải khoảng 1.000 hành khách trên một làn trong 1 giờ. Ảnh: Dân trí.

Trong khi đó, kết luận của Thanh tra chính phủ năm 2018 về loại hình bus nhanh cũng đã nêu ra nhiều sai phạm cần làm rõ với dự án này.

Cụ thể, theo tờ Giáo dục và Thời đại, trong đó có việc đầu tư chưa đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng như nhà chờ, cầu vượt cho người đi bộ chưa thuận tiện cho người sử dụng. Một số nhà chờ chưa có cầu vượt đi bộ để tiếp cận, cầu vượt đi bộ cũng chưa hỗ trợ được người khuyết tật.

Được biết, dự án này sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, được đầu tư đến hàng nghìn tỷ đồng, hay khoảng gần 50 triệu USD. Tuy nhiên, nay thật khó để mà dùng từ "thành công" để nói về một thử nghiệm giao thông tốn kém này.

Đầu tư thiếu đồng bộ, thiếu kết nối

Nhiều tờ báo đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân thất bại của BRT. Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - trên báo điện tử VietNamNet: Hà Nội quá vội vàng triển khai BRT đi qua đường Tố Hữu và Lê Văn Lương. Ngay cả khi tuyến BRT được quy hoạch đi qua các tuyến đường chật hẹp, hạn chế quỹ đất dành cho giao thông nhưng Hà Nội vẫn cho xây các nhà cao tầng san sát lấn hết diện tích đường thì thất bại là điều khó tránh.

Còn theo TS. Nguyễn Xuân Thủy nêu trên tờ Giáo dục và Thời đại, BRT được nhiều nước sử dụng, nhưng nó phải có điều kiện cần và đủ. Điều kiện cần là mục tiêu chống ùn tắc. Nhưng điều kiện đủ phải khảo sát tuyến rất kỹ, phải có mặt đường đủ rộng từ 30 - 40 m, nhu cầu hành khách lớn, kết nối với các tuyến khác khoa học… Chúng ta không có các điều kiện ấy.

Rõ ràng, việc đầu tư thiếu đồng bộ, thiếu kết nối, chỉ một tuyến đơn độc cũng khiến BRT không thể phát huy được hiệu quả như thấy ở các nước khác như Indonesia, Hàn Quốc.

Xe bus nhanh BRT: Bi kịch từ sự nửa vời - Ảnh 2.

Các chuyên gia cho rằng bản thân BRT là một loại hình vận tải công cộng ưu việt, hiện đại, văn minh. Nhưng để phát huy hết các ưu điểm đó cần được trang bị đầy đủ các điều kiện cơ bản. Ảnh: VOV

Mới đây, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội chủ động đề xuất 14 tuyến BRT mới trong đó có 4 tuyến đường trục xuyên tâm, từ ngoại thành vào khu vực trung tâm. Đó là còn chưa muốn nhắc đến việc khi tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông hoạt động sẽ hút một lượng khách lớn từ BRT. Khi đó, sự lãng phí của tuyến BRT Yên Nghĩa - Cát Linh sẽ càng thấy rõ hơn.

Vì thế, theo tờ Nông thôn ngày nay, bài toán phát triển các tuyến BRT cần phải tính sao cho các loại phương tiện hỗ trợ nhau và kết nối xương cá để tạo sự lựa chọn thuận lợi cho người tham gia giao thông. Nếu không sẽ thất bại ngay từ khi bóng chưa lăn và chắc chắn con số tiền đầu tư dành cho BRT không chỉ dừng lại ở 49 triệu USD.

Bus nhanh BRT - Giá quá đắt cho một thử nghiệm thất bại Bus nhanh BRT - Giá quá đắt cho một thử nghiệm thất bại

VTV.vn - Đầu tư cả nghìn tỉ đồng nhưng sau 5 năm triển khai, dự án được nhiều người đánh giá là thất bại - đó là những gì người ta nói về tuyến xe bus nhanh BRT tại Hà Nội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước