Hơn 10 năm trước, dự án BRT ra đời với kỳ vọng là phương tiện giao thông công cộng có sức chuyên chở lớn, vận hành liên tục, có khả năng thay thế phương tiện cá nhân, đạt tốc độ cao và trên hết là giảm ùn tắc giao thông. 5 mục tiêu rất rõ ràng nhưng sau 5 năm triển khai cả 5 mục tiêu đều không đạt được.
Theo quan sát của phóng viên, trong khung giờ cao điểm từ 7h30 đến 8h sáng, tuyến đường có xe bus BRT đi qua, luôn ùn ứ thậm chí là thường xuyên tắc nếu không có lực lượng chức năng điều tiết giao thông. Thế nhưng, chen chúc trong đám ùn tắc là những chiếc xe BRT vắng khách.
Chiếm dụng 1/3 mặt đường và đi qua nhiều ngã tư, BRT khiến cho tất cả những con đường trên hành trình mà nó đi qua trở thành những điểm ùn tắc mới.
Đầu tư cả nghìn tỉ đồng nhưng sau 5 năm triển khai bus nhanh BRT được nhiều người đánh giá là thất bại.
Để đi được BRT, người dân nếu không có cầu bộ hành sẽ phải băng cắt qua mặt đường để vào Nhà chờ xe bus. Hơn nữa BRT lại sử dụng phần đường cũ trên tuyến đường vốn đã thường xuyên ùn tắc, nhiều đoạn BRT lại đi chung hỗn hợp với các phương tiện khác.
Dù được gọi là bus nhanh vận chuyển khối lượng lớn, nhưng BRT lại đi tốc độ của xe bus thường và số lượng hành khách mỗi chuyến chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đã có nhiều đề xuất giải pháp gỡ vướng cho BRT, trong đó có việc cho xe bus thường đi vào làn BRT. Tuy nhiên, điều này càng khiến giao thông thêm hỗn loạn vì điểm dừng chờ xe bus thường bên phải đường. Đi vào làn BRT nghĩa là bus thường sẽ cắt ngang dòng xe cộ.
Ròng rã 5 năm qua, tuyến BRT 15km đầu tư cả nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới không giải quyết đươc ùn tắc gây lãng phí tài nguyên - giá quá đắt cho một thử nghiệm thất bại.
Quy hoạch GTVT của thủ đô tới 2030 tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có 8 tuyến BRT. Nhưng đã đến lúc cần nhìn thẳng vào bài học thất bại của tuyến BRT 01 để suy xét điều chỉnh quy hoạch mạng lưới BRT trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!