Mùa hè là đợt rộ của nhiều mặt hàng nông sản... Lẽ ra, ở các cửa khẩu biên giới, trong những ngày này, các mặt hàng nông sản phải dồn dập được xuất đi. Nhưng thực tế ở cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam - những cửa khẩu chuyên xuất hàng nông sản ở phía Bắc - lại vắng lặng, đìu hiu một cách đáng ngạc nhiên. Ngoài lý do đợt này vụ thanh long bị đứt lứa, mất mùa thì còn những nguyên nhân khác tạo nên tình cảnh buôn bán vắng vẻ, bấp bênh ở đây. Ghi nhận của nhóm phóng viên VTV.
Đường dẫn vào cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn vắng lặng một cách đáng ngạc nhiên. Vắng bóng xe cộ… vắng bóng người giao dịch… còn trong bãi lác đác vài xe tải uể oải nằm phơi nắng chờ xuất hàng. Và tất nhiên, sẽ chẳng tìm đâu ra cảnh hàng trăm chiếc xe tải nối dài tới 3-4 cây số chờ xuất nông sản sang Trung Quốc như mọi người đã từng chứng kiến trong các vụ dưa hấu, thanh long trước đây.
‘ Ảnh minh họa
Vào những ngày cao điểm, cửa khẩu này có thể đón tới 300 xe mỗi ngày đưa nông sản sang nước bạn. Nhưng thời điểm hiện tại, lực lượng Hải quan cửa khẩu cho biết chỉ có khoảng 40 - 50 xe một ngày, nghĩa là đã bị sụt giảm khá nhiều, lượng hàng hóa thông quan mỗi ngày đã giảm tới 70%. Theo người dân và những người kinh doanh địa phương thì việc buôn bán, xuất khẩu nông sản với nước bạn ở đây khá phập phù, bấp bênh, lúc thì tồn đọng, ách tắc, lúc thì lại vắng vẻ, đìu hiu như những ngày vừa qua.
Phía cơ quan chức năng và người dân sở tại cho rằng việc xuất khẩu nông sản qua biên giới luôn bấp bênh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ngoài lý do mùa vụ của nông sản, còn có nguyên nhân từ tập quán kinh doanh dễ dãi của người Việt lâu nay.
Ông Phạm Quang Bách - Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, Cục Hải quan Lạng Sơn nói: “Có những thời điểm nghe nói dưa hấu sang Trung Quốc bán rất chạy thì thương nhân ta mang hàng lên cửa khẩu bán quá nhiều. Phía thương nhân Trung Quốc thấy thế thì ép giá, gây thiệt hại đến ta do không ký hợp đồng mua bán, ràng buộc trách nhiệm người mua và bán”.
Bà Vũ Thị Thành - Người kinh doanh tại Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn cho biết: “Nếu không có cái hợp đồng chính xác ấy, không có ai can thiệp thì thường thường là mình bị mất giá ở chỗ ấy”.
Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao biết mà không làm, bà Thành lý giải vì mỗi người một kiểu, mạnh ai người đấy buôn…
Trước tình trạng mạnh ai nấy buôn, tranh mua tranh bán, giao dịch lại không có hợp đồng khiến đầu ra chông chênh, trong khi lượng cung nông sản lại cứ thừa ứ lên sau mỗi mùa vụ do trồng tự phát, thiếu quy hoạch từ trước đó. Và rồi, những thương nhân Việt Nam lên cửa khẩu như cầm dao đằng lưỡi: Cứ vào mùa thu hoạch là đóng hàng chuyển thẳng lên biên giới, xuất sang nước bạn thì cũng chỉ là bán hàng giữa chợ với tâm lý “5 ăn 5 thua”, thụ động chực chờ thương nhân Trung Quốc mua hàng trước khi chúng kịp héo úa, hư hỏng… Tình trạng bấp bênh thế nên thiệt hại là điều không thể tránh khỏi…
Theo bà Vũ Thị Thành, thiệt hại lớn nhất tính ra thành tiền có thể tới 300 triệu/xe hàng có khi chỉ cách nhau một vài tiếng đồng hồ.
Ông Nguyễn Đức Hùng - Lái xe tải tuyến Tân Thanh, Lạng Sơn kể: “Có chuyến chủ xe trả 3,5 triệu, có chuyến trả 4 triệu. Nếu hàng bị hư thì về chuyến đó coi như không có lương, họ trừ tiền”.
Chính cách kinh doanh nông sản kiểu tự phát, phụ thuộc may rủi là một điểm yếu, là một kẽ hở để các thương nhân nước ngoài vốn quen giao dịch bài bản, có hội có phường, thể hiện quyền uy của kẻ thắng thế, ép giá thương nhân Việt bằng nhiều cách, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế.