Tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém

PV-Chủ nhật, ngày 11/06/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Xử lý các ngân hàng yếu kém và dự án lớn kém hiệu quả đã có kết quả nhất định nhưng cần đẩy nhanh tốc độ hơn nữa.

Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra quan điểm chỉ đạo "Đẩy nhanh việc xử lý nợ, thoái vốn, cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước". Trên cơ sở đó, việc xử lý các ngân hàng yếu kém đã được tích cực triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ. Đồng thời Bộ Chính trị đã thông qua đề án tái cơ cấu 3 dự án lớn thua lỗ, kém hiệu quả.

Theo đó, sau khi báo cáo Bộ Chính trị, Đề án triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 đã được triển khai. Cho đến thời điểm này đã có một số ngân hàng thương mại yếu kém thuộc diện tái cơ cấu.

Giữa tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã đưa Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vào diện kiểm soát đặc biệt.

Mới đây trong báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế, liên quan đến việc xử lý các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 04 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. 

Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các nội dung tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định. 

Đối với SCB, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương triển khai các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đánh giá tổng thể thực trạng và chủ trương cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng này, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

"Các Ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như tham gia hỗ trợ, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Các ngân hàng thương mại cổ phần về cơ bản tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động", Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao tại Đề án 689. Trong đó, đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tập trung triển khai chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các tổ chức tín dụng này từng bước phục hồi. Hướng dẫn tổ chức tín dụng xây dựng, phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 nhằm bảo đảm phù hợp với mục tiêu, định hướng nêu tại Đề án 689.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước