Khác với tình hình ảm đạm của năm trước, xuất khẩu dệt may năm nay có nhiều khởi sắc rõ rệt. Theo Bộ Công thương, 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tăng 6,3% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp đã đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết hết quý III và đang đàm phán thêm đơn hàng cho quý IV. Với đà này, nhiều nhận định đưa ra, mục tiêu xuất khẩu dệt may cả năm khoảng 44 tỷ USD hoàn toàn khả thi.
Căng thẳng biển Đỏ tác động ít nhiều đến hoạt động vận chuyển hàng hoá và nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất. Tuy nhiên, nhu cầu từ thị trường tăng cao, doanh nghiệp vẫn có đơn hàng dài hạn đến hết tháng 10 nhờ bám sát thị trường và nhanh chóng chuyển đổi sản xuất.
Ông Trương Khánh Toàn - Phụ trách Bán hàng, Tổng Công ty May Nhà Bè cho biết: "Australia vẫn là thị trường ổn định. Tuy nhiên, tăng trưởng nhiều nhất là thị trường EU và Mỹ. Những chiến lược và luôn bám sát về thị trường đẩy nhanh hiệu quả trong sản xuất công nghệ cao, thiết bị tăng năng suất, giảm chi phí".
Còn doanh nghiệp này lại có nhiều đơn hàng từ khu vực Trung Đông và ASEAN.
Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty may mặc Dony chia sẻ: "Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại từ online đến offline, gặp gỡ trực tiếp và đã phát triển, hiện tại đã có khách hàng chính yếu tại thị trường Malaysia, Campuchia, Singapore. Toàn bộ lực lượng lao động tăng ca đều, liên tục".
Các doanh nghiệp nỗ lực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng hàng hoá
Theo Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh, đơn hàng của doanh nghiệp trong quý II phục hồi tương đối thuận lợi, ở mức 15-20% so với cùng kỳ. Hầu hết doanh nghiệp đều thích ứng nhanh, đáp ứng yêu cầu về thời gian giao hàng, mã hàng và chất lượng hàng hóa khắt khe của từng thị trường.
Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh nhận định: "Tín hiệu của thị trường là hàng Việt Nam đang đạt chất lượng tốt, được khách hàng đánh giá cao. Bây giờ doanh nghiệp thích ứng về sản xuất nhỏ và sản xuất nhanh. Ví dụ trước đây, chúng tôi sản xuất giao hàng từ 70-90 ngày nhưng giờ xuống còn 45, 30 ngày".
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, một tín hiệu đáng chú ý khác là nhiều tập đoàn bán lẻ trong khối thành viên các Hiệp định thương mại tự do như Canada, Australia, Châu Âu… đã đến Việt Nam để tìm kiếm chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu ý kiến: "Đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tượng khách hàng và đa dạng hóa mặt hàng. Tổng thị trường xuất khẩu năm 2023 là 104 thị trường trên toàn cầu, năm nay khả năng tăng hơn 110 thị trường trên toàn cầu".
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đang nỗ lực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng hàng hoá. Bởi khi sản xuất thay đổi, đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu, dệt may vẫn là nhóm hàng có lợi thế của Việt Nam để đạt các mục tiêu tăng trưởng đề ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!