Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc có xu hướng giảm, vì đâu?

Kate Trần-Thứ hai, ngày 17/06/2024 21:57 GMT+7

xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm tới gần 68%

VTV.vn - Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm tới gần 68% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do sự biến động của thị trường và cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2023, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam, tụt 1 bậc so với năm 2022, đứng sau Philippines và Indonesia, chiếm khoảng 11% tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu giảm tới gần 68%

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 5/2024, cả nước xuất khẩu 856 nghìn tấn gạo, giảm 14,6% so với tháng trước. Lũy kế hết tháng 5, cả nước xuất khẩu đạt 4,03 triệu tấn, tăng 11,2% và tổng kim ngạch đạt 2,56 tỷ USD, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo về thị trường, thông tin từ ngành Hải quan cho thấy, gạo của Việt Nam chủ yếu được xuất sang thị trường ASEAN với 2,96 triệu tấn, chiếm 73% tổng lượng gạo của cả nước và tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Philippines đạt 1,83 triệu tấn, tăng 19,6%; Indonesia đạt 677 nghìn tấn, tăng 83,4%; Malaysia đạt 338 nghìn tấn, tăng 82,5%.

Tuy nhiên, trái ngược với đà tăng cao ở các thị trường ASEAN, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh, chỉ đạt 203 nghìn tấn, giảm 67,8% so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, trong giai đoạn 2017 – 2022, Trung Quốc nhập khẩu gạo của Việt Nam ghi nhận sự biến động tương đối lớn. Riêng năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu lên đến 1 tỷ USD sản phẩm gạo của Việt Nam, nhưng đến năm 2019, kim ngạch nhập khẩu chỉ đạt hơn 240 triệu USD và phục hồi trở lại trong giai đoạn 2020 và 2021 nhưng có xu hướng giảm trong hai năm trở lại đây.

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc có xu hướng giảm, vì đâu? - Ảnh 2.

xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm tới gần 68%

Trong những năm trở lại đây, hạn ngạch nhập khẩu gạo của Trung Quốc không có thay đổi nhiều. Năm 2023, hạn ngạch nhập khẩu gạo của nước này ở mức 5,32 triệu tấn, trong đó hạn ngạch dành cho gạo hạt dài với 2,66 triệu tấn và gạo hạt ngắn với 2,66 triệu tấn. Con số này không thay đổi trong những năm trở lại đây.

Thông tin từ Bộ Công thương cho thấy, trong nhiều năm nay, lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc chỉ chiếm mức dưới 4% tổng sản lượng sản xuất gạo trong nước. Trong đó, một số loại gạo chất lượng cao được bổ sung vào tiêu thụ ở phân khúc gạo cao cấp, một số loại gạo phổ thông dùng để phối trộn với các loại gạo của sở tại hoặc được chế biến, đóng gói theo thương hiệu của doanh nghiệp nước này.

Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Trung Quốc hạn chế số lượng doanh nghiệp gạo được phép xuất khẩu. Hiện nay, Trung Quốc chỉ cho phép 21 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo sang thị trường này trong tổng số khoảng 161 doanh nghiệp gạo Việt Nam đã được cấp phép.

Theo Tham tán Thương mại tại Trung Quốc, Trung Quốc là quốc gia đông dân và người dân có thói quen ăn cơm hàng ngày. Thói quen này đã đi vào văn hóa ẩm thực của người Trung Hoa, do đó, nhu cầu tiêu dùng đối với gạo tại thị trường này là rất lớn.

Hiện, tỷ trọng gạo Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm từ 36 - 37%. Đây là con số khá cao so với các nước cùng xuất khẩu vào thị trường này.

Vì sao con số thương mại giảm mạnh?

Từ cuối năm 2023, đầu năm 2024, các chuyên gia trong ngành dự báo, trong năm 2024, tín hiệu nhập khẩu gạo của thị trường Trung Quốc rất tích cực và có xu hướng tăng trở lại do nhiều yếu tố như trong 3 năm vừa qua, diện tích trồng lúa của Trung Quốc liên tục giảm dưới 30 triệu ha, sản lượng lúa cũng giảm liên tiếp trong 2 năm vừa qua, trong khi nhu cầu tiêu dùng được dự báo vẫn duy trì mức tăng nhẹ (khoảng 150 triệu hoặc trên 150 triệu tấn gạo). 

Hơn thế nữa, năm vừa qua, vấn đề an ninh lương thực được Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng, luôn được nhấn mạnh trong các hội nghị, thậm chí có những hội nghị bàn riêng về việc này. Trung Quốc đã thông qua Luật An ninh lương thực mới, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/6/2024. Đây là động thái quan trọng mang tầm quốc gia của Trung Quốc trong việc bảo đảm nguồn cung ổn định ngũ cốc và các sản phẩm liên quan, tăng cường an ninh lương thực trước những bất ổn ở thị trường bên ngoài. Vì vậy, Trung Quốc sẽ duy trì nhập khẩu gạo một cách hợp lý để đảm bảo bù đắp cho thiếu hụt gạo trong nước.

Thêm vào đó còn các yếu tố bên ngoài, tác động của chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng như sự đứt đoạn của chuỗi cung ứng do sự tác động của địa chính trị, chi phí vận chuyển tăng cao, điều này sẽ làm cho Trung Quốc tìm kiếm đến các thị trường cung ứng gạo ở khu vực Đông Nam Á.

 Tuy nhiên, thực tế đến nay, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc lại đang có xu hướng giảm. Các chuyên gia cho rằng, một trong những lý do là Trung Quốc hạn chế số lượng doanh nghiệp gạo được phép xuất khẩu sang nước này. Hiện nay, Trung Quốc chỉ cho phép 21 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo sang thị trường này trong tổng số khoảng 200 doanh nghiệp gạo Việt Nam đã được cấp phép.

Bên cạnh đó là sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Trung Quốc. Hiện nay các sản phẩm gạo có mặt trên thị trường Trung Quốc đều có chất lượng tương đối cao bên cạnh việc các nước xuất khẩu rất chú trọng vào khâu đóng gói bao bì, nhất là gạo của Thái Lan.

Nhu cầu nhập khẩu gạo cũng có sự biến động trong những năm trở lại đây kể từ khi cọ xát Nga – Ucraine nổ ra, nguồn cung ứng lương thực toàn cầu có nhiều biến động, do đó cơ cấu nhập khẩu lương thực của Trung Quốc cũng bị tác động.

Trước tình hình đó, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến thị trường gạo Trung Quốc, cập nhật thông tin thị trường, kịp thời nắm bắt các động thái mới nhất của thị trường nước nhập khẩu, ứng phó kịp thời cũng như nắm bắt thời cơ. Đồng thời, đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác xúc tiến thương mại nhằm thâm nhập vào các khu vực tiềm năng của nước bạn để mở rộng xuất khẩu tại thị trường tỷ dân này.

Quan trọng không kém, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần phát huy và tận dụng lợi thế của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc như mối quan hệ bạn hàng truyền thống tốt đẹp với thị trường này. 

Đáng chú ý, hiện dòng gạo thơm, gạo cao cấp, gạo ST đang được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc nên các doanh nghiệp cần duy trì, phát huy và mở rộng và tranh thủ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm gạo Việt Nam tại thị trường tiềm năng bậc nhất này./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước