Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã không đạt mục tiêu tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu của ngành lâm nghiệp năm nay sẽ chỉ đạt khoảng 13,5 tỷ USD, thấp hơn gần 3 tỷ USD so với mục tiêu 17 tỷ USD đề ra từ đầu năm.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng cuối năm nay, dù có tăng nhưng vẫn chỉ bằng 82% kim ngạch của năm ngoái.
Năm nay là một năm thách thức của ngành gỗ Việt Nam. Nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU giảm mạnh dẫn đến các đơn hàng sụt giảm.
Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất. Một số doanh nghiệp thậm chí đã phải đóng cửa.
Xây dựng ngành gỗ phát triển bền vững
Năm 2024, ngành gỗ sẽ vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là phải đáp ứng các quy định chặt chẽ của thị trường nhập khẩu. Chẳng hạn như châu Âu quy định các sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc gỗ không gây mất rừng, suy thoái rừng và giảm phát thải carbon.
Các dự báo cho thấy, năm sau tăng trưởng ngành gỗ dự kiến chậm lại khoảng 10 - 12% so với những quý cuối năm nay. Vì vậy tạo dựng hình ảnh ngành gỗ phát triển bền vững là giải pháp trọng tâm vừa được các bên đưa ra.
Sản xuất gỗ ván ép cong xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)
Tại buổi tọa đàm mới đây, các bên đã đưa ra thông điệp chỉ xây dựng một ngành gỗ hợp pháp và bền vững mới có thể tạo động lực cho xuất khẩu. Để làm được điều đó, mọi thay đổi phải đi từ gốc rễ.
"Sẽ tư vấn cho 6 doanh nghiệp đầu ngành của ngành gỗ về giảm phát thải, từ đó sẽ lan tỏa ra toàn ngành. Về mặt truyền thông, sẽ đẩy mạnh quỹ về Việt Nam xanh của ngành gỗ, để bảo đảm cho vấn đề truyền thông của ngành gỗ, không sử dụng và kinh doanh bất hợp pháp", ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết.
Công ty TNHH Kẻ Gỗ trước đây thường mua gỗ từ các đơn vị cung cấp trên thị trường, hiện doanh nghiệp chuyển hướng chủ động nguồn cung gỗ để đảm bảo kiểm soát đầu vào gỗ nguyên liệu.
"Mình có thể tự trồng rừng hoặc hợp tác với các doanh nghiệp tại Bắc Kạn để có các diện tích rừng đứng tên của doanh nghiệp trong việc quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng bền vững sẽ cấp cho doanh nghiệp", ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ, chia sẻ.
Còn trước yêu cầu về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon mà EU và nhiều thị trường lớn yêu cầu, các nhà máy đang tập trung lựa chọn công nghệ để đáp ứng yêu cầu này.
"Đối với ngành viên gỗ nén thì phát thải CO2 không lớn, tuy nhiên điện năng tiêu thụ thì khá là lớn. Giải pháp lớn nhất với ngành viên gỗ nén là đầu tư các thiết bị hiện đại để giảm tiêu thụ điện năng, đó là giải pháp các nhà máy muốn đạt được năng lượng sạch, môi trường xanh", ông Nguyễn Thanh Phong, Chi hội trưởng Chi hội Viên gỗ nén Việt Nam, cho hay.
Năm 2024, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam sẽ đồng loạt tiến hành nhiều giải pháp để đạt 2 mục tiêu: thứ nhất là gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu đều có chứng chỉ rừng trồng, thứ hai là giảm phát thải các bon.
Nỗ lực thích ứng quy định mới
Những nỗ lực không chỉ đến từ cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng, mà toàn ngành lâm nghiệp cũng đang thể chế hóa và liên tục cập nhật để thích ứng với các quy định mới từ thị trường nhập khẩu thế giới.
Ngành lâm nghiệp đang đẩy nhanh các công tác sửa đổi, bổ sung Nghị định 102 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, Thông tư số 26 quy định về truy xuất nguồn gốc lâm sản và nhiều quy định khác để kịp với nhịp độ chuyển đổi ngành gỗ.
"Liên minh châu Âu dự kiến trong quý 1 sẽ có hướng dẫn cụ thể về những giải trình và truy xuất nguồn gốc, ngành lâm nghiệp đã sẵn sàng tiếp cận các tài liệu này, để ban hành các hướng dẫn, đến tận những người chủ rừng và người dân liên quan", ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin.
"Về phía EU, chúng tôi phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua chương trình tài trợ song phương, hiện tại nằm trong dự án xác định tài trợ có khoảng 3 dự án. Tổng ngân sách EU hỗ trợ cho Việt Nam trong 3 dự án đó khoảng 24 triệu Euro", ông Hoàng Thành, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu, cho biết.
Từ quý tới, dự án hỗ trợ của Chương trình lâm nghiệp bền vững sẽ thí điểm tại Tuyên Quang và một số điểm ở Tây Nguyên để đẩy nhanh quá trình cấp mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đến từng toạ độ, đảm bảo yêu cầu của các đối tác.
Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,5 - 2 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ có nguồn gốc từ các quốc gia nhiệt đới. Vì vậy, ngoài hạn chế rủi ro pháp lý, xây dựng ngành gỗ minh bạch bền vững sẽ là cơ sở để sử dụng hiệu quả nguồn gỗ rừng trồng trong nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!