Xuất khẩu khống để gian lận VAT: Ngày càng phức tạp, tinh vi

PV-Thứ bảy, ngày 26/10/2013 11:32 GMT+7

 Nhiều hoạt động khai khống hàng hóa có giá trị, mang đi xuất khẩu, nhưng thực chất được đánh tráo nhằm trục lợi nguồn tiền hoàn thuế giá trị gia tăng đang là vấn đề khiến các cơ quan chức năng đau đầu.

Trong vòng 2 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách xuất khẩu để thực hiện hành vi khai khống hàng hóa, gian lận về số lượng, chủng loại, nâng trị giá hàng xuất khẩu lên gấp nhiều lần với mục đích chiếm đoạt tiền của nhà nước thông qua việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Tại khu vực biên giới Tây Nam và miền Trung, Tây Nguyên, nhiều công ty mọc lên với mục đích hoạt động xuất khẩu nhưng nhanh chóng giải thể sau khi đã nhận hàng chục tỷ đồng hoàn thuế VAT.

Trước những sự việc đang diễn ra thời gian qua, khiến dư luận không khỏi băn khoăn: Vì sao hành vi gian lận này lại có thể dễ dàng thực hiện trót lọt? Những quy định nào đang bị lợi dụng và làm thế nào để đấu tranh ngăn chặn?

Thời gian qua, công ty Cổ phần Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn có trụ sở tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM mở tờ khai xuất khẩu 3000 thùng thuốc lá tổng trị giá hơn 23 tỷ đồng sang Campuchia. Lô hàng đã được Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 4 thông quan nhưng khi chưa kịp vận chuyển đi thì bị Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan kiểm tra. Kết quả cho thấy, hàng hóa thực tế là 20 tấn gạo, trị giá tương đương 100 triệu đồng. Nếu thực hiện trót lọt, công ty này sẽ gian lận gần 2,3 tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT.

‘ Tổng cục Hải quan thừa nhận, tình trạng xuất khẩu khống hàng hóa để gian lận hoàn thuế VAT diễn biến phức tạp

Từ đầu năm 2012 đến nay, công ty này đã thực hiện xuất khẩu khống như vậy với tổng trị giá hơn 1.100 tỷ đồng, tương ứng với 110 tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT. Nhưng khi mới rút được hơn 70 tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT thì hành vi gian lận bị bắt quả tang.

Ông Nguyễn Văn Ổn, Cục điều tra chống buôn lậu Khu vực phía Nam, Tổng cục Hải quan cho biết: “Sau khi điều tra xác minh làm rõ hành vi vi phạm của công ty thực phẩm Sài Gòn, Đội 3 sẽ có văn bảo báo cáo lãnh đạo Cục và Tổng cục cho mở rộng điều tra đối với những doanh nghiệp tương tự, xuất khẩu những mặt hàng có dấu hiệu gian lận trong khai báo hải quan, đặc biệt là những mặt hàng có trị giá lớn, được hoàn thuế VAT”.

Trong 9 tháng đầu năm 2013, riêng 2 cửa khẩu Khánh Bình và Bắc Đai, tỉnh An Giang có 250 doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa trị giá khoảng 40.000 tỷ đồng. Trong đó, quá nửa là điện thoại di động. Trong những bộ hồ sơ xuất khẩu sang Camphuchia thời gian qua, hàng loạt các số Imei chứng minh nguồn gốc trùng nhau, chứng tỏ có sự giả mạo, cắt dán hồ sơ. Hóa đơn đầu vào chậm hơn cả tháng so với thời điểm xuất hàng. Có thể dễ dàng nhận thấy hành vi gian lận, nhưng doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế VAT.

Cục thuế An Giang cho biết, nguyên nhân do việc xác minh hóa đơn đầu vào là rất khó khăn, trong khi quy định hoàn thuế trong vòng 40 ngày kể từ khi doanh nghiệp đề nghị.

Ông Trần Quang Phước, Phó cục trưởng Cục thuế tỉnh An Giang cho biết: “Xác minh hóa đơn của 1 doanh nghiệp F1 tức doanh nghiệp bán liền kề cho doanh nghiệp xuất khẩu thì đã khó. Nếu còn nghi vấn thì tiếp tục đi xác minh đối tượng thứ 2. Mà một hóa đơn đầu vào của đối tượng thứ 2 này thì nó mua bao gồm nhiều hóa đơn của nhiều đối tượng thứ 3 cho nên các bước xác minh thì nó phải có các bước rất dài, tốn rất nhiều công sức. Mất nhiều thời gian như thế, đến khi xử lý thì có khi doanh nghiệp đã bỏ trốn rồi”.

Tổng cục Hải quan thừa nhận, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng xuất khẩu khống hàng hóa để gian lận hoàn thuế VAT diễn biến phức tạp là do sự kết nối, chia sẻ thông tin giữa hải quan và các lực lượng nội địa như cơ quan thuế, công an và quản lý thị trường còn nhiều hạn chế. Từ nhiều tháng nay, hàng loạt các giải pháp đang được tăng cường để ngăn chặn tình trạng này.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: “Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo là trước mắt là tăng cường cho lực lượng hải quan, lực lượng thuế nội địa để kiểm soát chặt chẽ các đối tượng nghi vấn, kiểm hóa, giám sát cũng như là làm thủ tục và giám sát cả phương tiện cũng như thanh toán tiền hàng xuất khẩu. Kết nối với cơ quan thuế nội địa để đảm bảo quản lý chặt chẽ giữa thủ tục xuất khẩu và thủ tục hoàn thuế”.

Tổng cục hải quan cũng đã nhận định, tình trạng xuất khống hàng hóa để gian lận, chiếm đoạt VAT đang diễn ra nhiều nơi, nhất là tại TP.HCM và các tỉnh biên giới Tây Nam. Từ đầu năm 2012 đến nay, số thuế VAT bị gian lận, chiếm đoạt lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh ngân sách đang gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, thì đây là hành vi trục lợi hết sức nguy hiểm, số tiền rất lớn và cần phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Mời quý vị và theo dõi Video phóng sự:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước