Xuất khẩu nỗ lực trở lại “đường đua”

Nguyễn Hương-Thứ tư, ngày 16/03/2022 12:02 GMT+7

VTV.vn - Dù liên tục gặp khó khăn, nhưng các doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh vẫn nỗ lực khôi phục sản xuất kinh doanh, với quyết tâm lấy lại đà tăng trưởng.

Gặp thách thức lớn khi chi phí đầu vào tăng cao và thị trường tiêu thụ trục trặc, doanh nghiệp vẫn tích cực phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường mới. Để có mức giá tốt nhất, doanh nghiệp cũng hợp đồng với nhà cung cấp nguyên liệu với số lượng lớn, điều chỉnh máy móc nhằm tăng năng suất.

"Những lô hàng sản xuất xong rồi thì lưu kho, đang sản xuất thì chuyển qua đóng gói giao cho các thị trường có nhu cầu tương tự. Bây giờ mình lại có thêm nhiều thị trường mới hơn và những thị trường cũ lại tăng thêm sản lượng so với những năm trước", ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh, cho biết.

Trong nỗ lực ứng phó trước sự đứt gãy chuỗi cung ứng và giá cả đầu vào tăng cao, Công ty TNHH Tân Quang Minh chủ trương nội địa hóa một số loại nguyên liệu. Chiến lược này giúp doanh nghiệp tìm được nguồn cung với giá rẻ hơn, lại không gián đoạn hoạt động sản xuất. Đến nay, doanh nghiệp đã thay thế được khoảng 12% nguyên liệu nhập khẩu.

Xuất khẩu nỗ lực trở lại “đường đua” - Ảnh 1.

Gặp thách thức lớn khi chi phí đầu vào tăng cao và thị trường tiêu thụ trục trặc, nhiều doanh nghiệp vẫn tích cực phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường mới. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Qua việc đứt gãy chuỗi cung ứng thì cũng có một số nhà phân phối mất đi và cũng có nhà phân phối mới. Chúng tôi đang kết nối lại với các nhà nhập khẩu trước đây như châu Mỹ, châu Âu, Trung Á, Đông Á…Hy vọng trong 1 - 2 tháng tới, chúng tôi có thể mở rộng mạng lưới xuất khẩu", ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Quang Minh, chia sẻ.

Theo đánh giá của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, dù rất nỗ lực để trở lại "đường đua", nhưng các doanh nghiệp của thành phố vẫn đang gặp nhiều thách thức. Nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm có xu hướng tăng cường áp dụng biện pháp phòng, chống dịch hoặc yêu cầu cao hơn về chất lượng, tiêu chuẩn hàng nhập khẩu.

"Chúng tôi hy vọng nó chỉ là những khó khăn ngắn hạn thôi. Trong giai đoạn này để đẩy nhanh tiến độ hàng hóa, chúng tôi buộc phải chuyển qua đường hàng không. Tuy giá cao hơn nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận để duy trì sản xuất", ông Đặng Văn Chung, Giám đốc Công ty Datalogic Việt Nam, cho hay..

Khôi phục và mở rộng các thị trường lớn, có giá trị gia tăng cao, đa dạng hóa nguồn cung, chủ động đàm phán với đối tác về phương án vận chuyển hàng hóa… là cách giúp nhiều doanh nghiệp nắm bắt nhanh chóng cơ hội phục hồi, kỳ vọng vào đà tăng trưởng mới.

Cảnh báo rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam Cảnh báo rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam

VTV.vn - 5 doanh nghiệp ngành điều của Việt Nam đứng trước nguy cơ mất trắng 162 tỷ đồng khi xuất khẩu hàng sang Italy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước