Như vậy, mới chỉ qua 3/4 thời gian của năm, nhưng ngành nông nghiệp đã hoàn thành 84% mục tiêu cả năm và sẽ sớm cán đích 55 tỷ USD. Tuy vậy, những ảnh hưởng từ thiên tai, sụt giảm nguồn nguyên liệu là những vấn đề cần khắc phục để giữ vững sức tăng trưởng như hiện nay.
5,7 tỷ USD là con số cao kỷ lục của xuất khẩu rau quả tính đến thời điểm này. Giá trị xuất khẩu của 9 tháng qua bằng cả năm ngoái. Riêng mặt hàng sầu riêng thu về 2,5 tỷ USD. Kết quả này có được nhờ việc tích cực mở cửa và thâm nhập thị trường.
Những con số này sẽ còn tăng cao hơn, nếu việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được giải quyết nhanh và hiệu quả. Đến nay, cả nước chỉ cấp mã số vùng trồng sầu riêng cho gần 24.000 ha, chưa tới 7% tổng diện tích sản xuất. Thiếu hụt tấm giấy thông hành này sẽ cản trở nông sản Việt tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản sớm cán đích 55 tỷ USD. Ảnh minh họa.
Những ảnh hưởng của bão số 3 vừa qua đã khiến tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm 0,33%. Hơn 560.000 ha lúa, hoa màu và cây trồng bị thiệt hại, hơn 30.000 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Sụt giảm nguồn cung, nguy cơ đẩy giá nguyên liệu tăng cao.
"Đối với các sản phẩm ngắn ngày như tôm, chúng tôi đã hỗ trợ sản xuất để cung cấp kịp thời cho cuối năm. Còn các sản phẩm cần thời gian dài hơn, chúng tôi đã làm việc với các địa phương để kết nối cung cầu, để người dân có giống, vật nuôi… đảm bảo nguồn cung đến đầu năm 2025", ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Cuối năm là thời điểm nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm từ nhiều thị trường lớn tăng mạnh. Sớm khôi phục sản xuất, tăng cường thâm nhập các thị trường có khoảng cách địa lý gần là ưu tiên của ngành nông nghiệp nước ta để đón cơ hội bứt phá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!