Xuất khẩu nông sản tiếp đà tăng trưởng
Theo Bộ NN-PTNT, tính đến đầu tháng 9, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta đạt hơn 40 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này được các doanh nghiệp dự báo sẽ sớm cán đích 55 tỷ USD. Lý do các tháng cuối năm thị trường xuất khẩu khá khởi sắc.
180.000 tấn đó là sản lượng gạo xuất khẩu cả năm 2024 của Công ty Lương thực Long An. Nhờ chủ động nguồn nguyên liệu, ký được nhiều đơn hàng mới, doanh nghiệp dự kiến sẽ sớm đạt và vượt kế hoạch đề ra.
8 tháng qua, nếu như xuất gạo đạt 3,75 tỷ USD, thì mặc hàng rau quả cán mốc 4,63 tỷ USD. Đây là nhóm hàng dự báo có nhiều bứt phá về kim ngạch xuất khẩu. Hiện hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu tại các nhà máy khá sôi động.
Tính đến đầu tháng 9, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta đạt hơn 40 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa.
Nếu như quý I và quý II các lô nông sản lưu kho ít nhất 1 - 2 tháng, thì bước vào cuối quý III, các sản phẩm chỉ 1 - 3 tuần sẽ được xuất kho. Điều này cho thấy thị trường xuất khẩu đang khá khởi sắc vào các tháng cuối năm.
Qúy IV là thời điểm có nhiều lễ hội, do đó các nước sẽ tăng cường nhập khẩu nông sản từ Việt Nam. Việc chủ động nguyên liệu, tăng cường chế biến sâu và chinh phục được nhiều thị trường… sẽ giúp ngành nông sản nước ta tiếp tục xác lập các con số kỷ lục về xuất khẩu.
Thách thức trong xuất khẩu
Bên cạnh các gam màu sáng, xuất khẩu hàng hóa nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Mưa bão, thiên tai làm thiệt hại, sụt giảm nguồn nguyên liệu, giá cước tàu tiếp tục tăng cao... là những thách thức với xuất khẩu nông sản của nước ta.
Thiên tai, bão lũ đã và đang làm sụt giảm nguồn cung, đẩy giá nguyên liệu tăng cao. Trong khi đó, giá xuất khẩu không dễ điều chỉnh. Đáng lo hơn, nguồn nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu, có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc… đang thiếu hụt trầm trọng ở nhiều địa phương.
Mỗi năm, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp mang về cho nước ta hơn 50 tỷ USD. Mặc dù là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng việc quy hoạch sản xuất, dự báo thị trường với ngành nông sản vẫn còn bỏ ngỏ.
Có nhiều sản phẩm tăng trưởng nóng, chưa có quy định ràng buộc sản xuất, chỉ dừng lại khuyến cáo, khuyến nghị. Đặc biệt, việc quá lệ thuộc vào một thị trường nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!