Tiến tới nông nghiệp “Net Zero” để xuất khẩu nông sản bứt phá

Kate Trần-Chủ nhật, ngày 08/09/2024 12:26 GMT+7

VTV.vn - Tiến tới nông nghiệp “Net Zero” - thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp xanh chính là chìa khóa để xuất khẩu nông sản bền vững và bứt phá.

Net Zero hay "Phát thải ròng bằng 0", là một mục tiêu môi trường nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính (như CO2, CH4, N2O) do con người gây ra xuống mức cân bằng với khả năng hấp thụ hoặc loại bỏ khí thải của Trái Đất, đến mức mà tổng lượng khí thải ròng được giảm xuống bằng không.

Không thể đứng ngoài hành trình thực hiện cam kết Net Zero

Có thể thấy, thời gian qua, nền nông nghiệp Việt Nam phát triển nhanh, mạnh và xuất khẩu mang lại hiệu quả cao. Nông sản Việt vượt mọi rào cản để đến với rất nhiều thị trường được coi là "khó tính" bậc nhất thế giới với những tiêu chuẩn khắt khe như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Úc...

Trao đổi với phóng viên VTV Times bên bề cuộc họp báo về Nông nghiệp Xanh diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, các bộ, ngành chức năng đang nỗ lực để xin cấp "visa" cho một loạt các loại trái cây lợi thế của nước ta vào các thị trường lớn trên thế giới. Nếu cứ đà này, xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng kim ngạch tích cực và có thêm nhiều mặt hàng tỷ đô trong tương lại gần.

Dẫn chứng, mới đây, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đại diện Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thống nhất kết thúc thảo luận kỹ thuật để chuyển sang các thủ tục pháp lý để Hoa Kỳ nhập khẩu chanh dây Việt. Song song với đó, khởi động quy trình xem xét các sản phẩm mới như chanh không hạt, ổi, mít...

Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp phấn khởi chia sẻ, việc đàm phán, ký kết để nông sản Việt được nhập khẩu chính ngạch vào các thị trường tiêu chuẩn cao là động lực quan trọng để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp hơn, bền vững hơn. Trong đó, chú trọng hơn đến mối liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản và  nông dân trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng đầy đủ các quy định, yêu cầu của thị trường nhập khẩu. 

Đặc biệt, theo các chuyên gia, trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao về việc sản xuất nông nghiệp xanh - sạch, ít phát thải của các nhà nhập khẩu "khó tính", bản thân nhà nông, doanh nghiệp Việt phải "nhanh tay" tiến tới nông nghiệp "Net Zero" nếu không muốn thụt lùi.

Hơn thế nữa, theo thống kê, nền nông nghiệp hiện đang chịu tổn thương nặng nề từ biến đổi khí hậu, đồng thời là nguồn phát thải lớn thứ 2 sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Mỗi năm, sản xuất nông nghiệp thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn khí thải CO2 quy đổi, chiếm trên 30% tổng lượng khí nhà kính toàn quốc. Trong đó gần 70% phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp đến từ các hoạt động trồng trọt, 46% là từ hoạt động canh tác lúa nước.

Tiến tới nông nghiệp “Net Zero” để xuất khẩu nông sản bứt phá - Ảnh 2.

Nhà nông, doanh nghiệp Việt phải "nhanh tay" tiến tới nông nghiệp "Net Zero"

Về câu chuyện này, theo GS. TS. Dương Nguyên Khang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học Công nghệ, Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Nông nghiệp không thể đứng ngoài hành trình thực hiện cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng bằng 0 (Net Zero). 

Nghiên cứu thực tế cho thấy, tiến tới nông nghiệp "Net Zero" là một hành trình đầy khó khăn và tốn kém. Theo ước tính gần đây của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần đến hàng trăm tỷ USD đầu tư cho hạ tầng, cho năng lượng và các hoạt động hướng đến đưa phát thải ròng về mức zero. Song không thể không làm, "hướng đến phát triển nông nghiệp tuần hoàn để giảm thải metal, hướng tới net zero metal vào năm 2050 là yêu cầu bắt buộc để tồn tại, để phát triển xuất khẩu", ông Khang nhấn mạnh.

Lợi đơn, lợi kép về lâu dài

Vợ Chồng anh Đoàn Mạnh Tài là một trong những hộ dân trông cà phê lâu năm tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Chia sẻ với phóng viên VTV Times, anh Tài cho biết, từ năm 2018, nhờ học hỏi các mô hình trồng trọt từ nhiều nguồn, anh Tài quyết định thực hành nông nghiệp bền vững thông qua việc canh tác đan xen các loại cây trồng có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau hư cây cà phê, hồ tiêu...Nhờ đó, năng suất và sản lượng đạt cao hơn, giúp bảo vệ đất trồng, tăng cường hệ thống rễ và cô lập carbon trong đất; đồng thời giảm được 50% lượng nước tưới và hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Việc làm này đã đóng góp ý nghĩa cho việc giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Đây là chỉ là một câu chuyện nhỏ, mô hình nhỏ tự phát, riêng lẻ của cá nhân nhưng về lâu dài, có thể hỗ trợ họ cũng như những nhà sản xuất nông nghiệp hướng đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn; hướng đến một mô hình tăng trưởng mới, với mục tiêu cân bằng tỷ lệ carbon trong quá trình sản xuất nông sản.

Theo các chuyên gia kinh tế, thực hiện nông nghiệp “Net Zero” giúp người sản xuất không chỉ tối ưu hóa tài nguyên, giảm phân bón, nước trong canh tác nông nghiệp, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm chi phí "đầu vào" mà còn giúp cải thiện hiệu suất, chất lượng sản phẩm. Song song với đó, doanh nghiệp sản xuất - thương mại sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn chung trong sản xuất, sản phẩm...theo đúng yêu cầu của thị trường nhập khẩu; giá trị thương hiệu tăng, dễ thâm nhập các thị trường có giá trị cao...

Tuy nhiên, các doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, để thực hiện nông nghiệp “Net Zero” thì Nhà nước cần đóng vai trò dẫn dắt và trở thành bệ đỡ cho doanh nghiệp, người nông dân. Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VCCI), xác định rõ nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh không chỉ là xu thế mà là yêu cầu bắt buộc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030; Kế hoạch quốc gia triển khai tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030. 

Đặc biệt, để hướng tới mục tiêu Net Zero lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Đề án này là một hình mẫu trên thế giới về phát triển nông nghiệp carbon thấp. Hiện đã có nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào cuộc thực hiện Đề án như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng,.../.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước