Xuất khẩu nông sản duy trì đà tăng trưởng kỷ lục

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 17/10/2024 15:47 GMT+7

VTV.vn - 9 tháng của năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 46 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu nông sản tăng kỷ lục

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 9 tháng của năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 46 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý giá trị xuất siêu của toàn ngành đạt gần 14 tỷ USD, tăng hơn 72%.

Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như: gạo, trái cây, thủy sản đều có mức tăng trưởng khá tốt. Trong đó, rau quả dẫn đầu với hơn 5,8 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ và là nhóm ngành có giá trị xuất khẩu ba quý bằng cả năm 2023. Có được kết quả ấn tượng này là nhờ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội tăng cường ngoại giao, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu. Thêm vào đó, chất lượng nông sản nước ta ngày một nâng cao, chinh phục nhiều thị trường khó tính, có giá bán khá cao. Với tín hiệu lạc quan từ thị trường, các chuyên gia đầu ngành cho biết, nhiều khả năng xuất khẩu ngành nông nghiệp sớm vượt mốc 53 tỷ USD trong năm nay.

Nâng tầm giá trị từ nông sản chế biến

Thị trường liên tục biến động, tuy nhiên, xuất khẩu nông sản nước ta vẫn duy trì đà tăng trưởng kỷ lục. Điều này cho thấy khả năng thâm nhập, cạnh tranh của ngành hàng này ngày một tốt hơn. Việc đầu tư công nghệ hiện đại, tăng cường chế biến, đa dạng sản phẩm và kênh tiêu thụ đang là lợi thế lớn đối với ngành nông sản nước ta.

Khoảng 110 triệu USD là mức doanh thu mà nhà máy này có thể đạt được trong năm nay. So với năm 2023, tăng khoảng 20%. Một trong những bí quyết đơn vị có được mức tăng trưởng đó là tăng cường chế biến sâu, đa dạng kênh tiêu thụ.

Ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho biết: "Bán được ở khắp các nước phát triển như Mỹ, Canada, Nhật Bản và châu Âu. Những sản phẩm này trước đây chủ yếu tập trung ở Nhật Bản nhưng càng về sau, sản phẩm giá trị gia tăng của Việt Nam đã chiếm lĩnh được các nước khác".

Ông Trần Bé Sáu - Giám đốc Điều hành, Công ty TNHH Nhà máy Thủy sản Việt Úc chia sẻ: "12 sản phẩm giá trị gia tăng gồm tẩm bột, sushi, các mặt hàng đóng gói nhỏ... Khi khách hàng đã chấp nhận sản phẩm đầu tiên thì họ luôn luôn quay lại tiếp nhận sản phẩm".

Những con tôm tẩm bột đang chuẩn bị xuất khẩu đi châu Âu. So với tôm đông lạnh, nó có giá bán cao hơn từ 2-3 USD, đặc biệt, khi chế biến sâu nên sản phẩm tại đây dễ dàng chinh phục các kênh tiêu thụ hiện đại như nhà hàng, khách sạn.

Xuất khẩu nông sản duy trì đà tăng trưởng kỷ lục - Ảnh 1.

Thống kê gần nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 13.000 cơ sở chế biến nông sản

Các mặt hàng như thanh long, xoài cũng đang được nhiều nhà máy nông sản ở miền Tây mạnh dạn chuyển từ sơ chế thô sang chế biến sâu.

Ông Nguyễn Huy Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang nêu ý kiến: "Đã ký đơn hàng full trong cả năm. Trong ba tháng cuối năm tập trung sản xuất ba sản phẩm để giao hàng cho khách là thanh long, xoài và đậu nành rau. Với sản lượng giao hàng cho khách khoảng 4.000 tấn/tháng".

Ông Hồ Văn Mừng - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhận định: "Tập trung chế biến sâu các sản phẩm từ nông sản, vừa tiêu thụ sản phẩm của nông dân một cách bền vững, vừa xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới, tăng giá trị xuất khẩu".

Mỗi năm, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp mang về hơn 55 tỷ USD. Một khi chế biến sâu, đa dạng sản phẩm lẫn kênh tiêu thụ sẽ giúp gia tăng con số này cao hơn. Quan trọng, chế biến sâu sẽ dần xóa đi áp lực "thu nhanh, bán vội" giúp ngành hàng tỷ đô này phát triển hiệu quả và bền vững hơn.

Đề xuất đẩy mạnh chế biến sâu

Thống kê gần nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 13.000 cơ sở chế biến nông sản. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ nên tỷ lệ chế biến sâu chưa cao. Trong khi các nhà máy cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn như: tỷ giá giả, cước tàu tăng, thiếu vốn đầu tư.

Ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho biết: "Chúng ta là nước sản xuất, xuất khẩu là chủ lực, nếu như đồng Việt Nam mạnh lên thì việc xuất khẩu của chúng tôi khó. Khi chúng tôi gặp khó thì sản xuất trong nước và tác động lên cả chuỗi cũng khó theo, lúc đó kéo theo tác động tiêu cực đến nền kinh tế".

Ông Trần Bé Sáu - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Nhà máy Thủy sản Việt Úc chia sẻ: "Làm sao giá cước phù hợp nhất, đáp ứng được cho các nhà máy xuất nhập khẩu trong nước cũng như quốc tế để giá trị sản phẩm của chúng ta cạnh tranh được giá xuất khẩu trên thế giới và ổn định giá cước xuất khẩu".

Ông Long Văn Nghĩa - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu nhận định: "Phải đầu tư cho đồng bộ, đầu tư cơ bản, lúc đó chúng ta vận hành mới đảm bảo các yếu tố về kỹ thuật. Sắp tới, chúng ta cần có nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng hoặc hỗ trợ từ Chính phủ với một lãi suất ưu đãi".

Ông Nguyễn Tiến Điệp - Giám đốc Hợp tác xã Sầu riêng Uyên Điệp Việt Nam đưa ra nhận định: "Vùng nguyên liệu ở xa khi vận chuyển đưa về nhà máy ảnh hưởng đến chất lượng, hư hao, dập. Nhân công khi đưa về đến đây sẽ bị ảnh hưởng chất lượng nhiều. Mong muốn của các doanh nghiệp là các huyện sắp xếp quỹ đất, có khu vực quy hoạch để xây dựng kho, kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quy chuẩn về các khu nguyên liệu gần để an toàn cũng như đảm bảo chất lượng".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước